Gã khổng lồ Nhật Bản thâu tóm “kho báu” 770 tỷ USD giữa bối cảnh toàn cầu bất ổn
Thương vụ trị giá 1,8 tỷ USD giữa Nomura và Macquarie đánh dấu bước ngoặt chiến lược của tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản trong tham vọng vươn ra toàn cầu giữa lúc thị trường quốc tế đầy biến động.
Tập đoàn Nomura Holdings Inc. vừa công bố sẽ mua lại mảng quản lý tài sản công tại Mỹ và châu Âu của Macquarie Group Ltd. với giá 1,8 tỷ USD, đánh dấu thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất của tập đoàn tài chính Nhật Bản kể từ khi tiếp quản tài sản của Lehman Brothers vào năm 2008.
Theo tuyên bố vào ngày 22/4, Nomura cho biết thương vụ sẽ được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, giúp công ty tiếp nhận khoảng 180 tỷ USD tài sản khách hàng, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các chiến lược đầu tư đa tài sản.

Động thái này nằm trong chiến lược mở rộng mảng quản lý tài sản của Nomura nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các hoạt động giao dịch và ngân hàng đầu tư vốn nhiều biến động. Tập đoàn cũng đang tìm cách khai thác làn sóng đầu tư của người dân Nhật Bản, khi họ tìm hướng sinh lời từ 15,8 nghìn tỷ USD tài sản tài chính trong bối cảnh đất nước dần thoát khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài.
“Thương vụ mua lại này phù hợp với tham vọng tăng trưởng và đa dạng hóa toàn cầu đến năm 2030 của chúng tôi, tập trung vào các doanh nghiệp ổn định và có biên lợi nhuận cao,” Tổng giám đốc điều hành Kentaro Okuda chia sẻ. Ông nhấn mạnh thương vụ sẽ tăng quy mô đáng kể tại Mỹ, củng cố nền tảng toàn cầu và mở rộng năng lực hoạt động trong cả lĩnh vực công và tư.
Sau khi hoàn tất, tổng tài sản được quản lý tại bộ phận đầu tư của Nomura sẽ tăng lên khoảng 770 tỷ USD, trong đó hơn một phần ba đến từ khách hàng quốc tế. Công ty kỳ vọng sẽ hoàn tất giao dịch vào cuối năm 2025.
Ông Michael Makdad, nhà phân tích cấp cao tại Morningstar Inc., nhận định: “Mục tiêu chính là đưa bộ phận quản lý đầu tư — vốn có xu hướng tập trung vào thị trường Nhật Bản — trở nên toàn cầu hóa hơn, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động.”
Tuy nhiên, nỗ lực vươn ra quốc tế của Nomura một lần nữa được xem là một canh bạc tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động vì căng thẳng thương mại leo thang. Gần 90% tài sản của đơn vị Macquarie hiện diện tại Hoa Kỳ — nơi thị trường cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD đang chịu áp lực bán mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế toàn diện đầu tháng 4.
Dù vậy, nhà phân tích Matt Ingram cho rằng thương vụ này là “một món hời” đối với Nomura, bởi mức giá mua chỉ tương đương khoảng 1% tổng tài sản đang được Macquarie quản lý.
Trên thực tế, Nomura từng đối mặt với không ít khó khăn khi mở rộng ra nước ngoài. Sau khi thâu tóm các đơn vị châu Á và châu Âu của Lehman Brothers trong khủng hoảng tài chính 2008, tập đoàn này đã chật vật tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường mới. Gần đây nhất, Nomura phải gánh khoản lỗ gần 3 tỷ USD sau sự sụp đổ của Archegos Capital Management vào năm 2021.
Dù vậy, tình hình tài chính của công ty đã có dấu hiệu cải thiện. Trong chín tháng tính đến tháng 12, lợi nhuận của Nomura đã tăng gấp đôi, đạt 268,8 tỷ yên (tương đương 1,9 tỷ USD) nhờ sự phục hồi trong hoạt động giao dịch và ký kết thỏa thuận. Mảng kinh doanh quốc tế cũng đã ghi nhận lãi trong từng quý tính đến thời điểm hiện tại của năm tài chính. Nomura dự kiến công bố báo cáo tài chính quý IV vào thứ Sáu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Nomura tăng 0,4% tại Tokyo trong phiên giao dịch sáng ngày 22/4. Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn giảm khoảng 26% so với đỉnh 16 năm được thiết lập vào tháng 2, phản ánh tâm lý lo ngại sau tuyên bố áp thuế của ông Trump. Trong khi đó, Macquarie tăng 1,1% tại Sydney, thu hẹp mức giảm từ đầu năm xuống còn 18%.
Tham khảo Financial Times (FT)
>> Niềm tin tan vỡ: Gã khổng lồ Zhongrong sụp đổ, hơn 30.000 người giàu Trung Quốc mắc kẹt