Gemadept (GMD) lập đỉnh lợi nhuận sau 16 quý: Nửa cuối năm có thể "thụt lùi"?

02-08-2022 00:23|Lan Phương

Đáng chú ý, CTCP Gemadept (Mã chứng khoán: GMD) đang phải trích lập dự phòng toàn bộ giá trị 14 tỷ đã đầu tư vào CTCP Khoáng sản Mangan (MMC).

Kết quả kinh doanh khả quan của GMD nửa đầu năm 2022

CTCP Gemadept (Mã chứng khoán: GMD) công bố BCTC hợp nhất quý II/2022 và lũy kế 6 tháng đầu năm.

Tính riêng quý II/2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% lên 978 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 52% xuống gần 4 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 22% lên 56 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong kỳ tăng 43% lên 100 tỷ đồng đồng thời lợi nhuận từ hoạt động khác đạt gần 6 tỷ đồng, cải thiện từ mức âm 44,3 tỷ đồng cùng kỳ.

Kết quả, GMD báo lợi nhuận sau thuế đạt 334 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ - mức lợi nhuận cao nhất kể từ của GMD trong 4 năm gần đây.

screenshot-450-.png
Đơn vị: Tỷ đồng

Lũy kế 6 tháng, GMD báo doanh thu thuần tăng 29% lên gần 1.857,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động khai thác cảng (chiếm 82,7% với 1.535,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ).

Ngược lại, doanh thu tài chính giảm hơn 73% xuống 8,2 tỷ đồng phần lớn do đơn vị không còn 23,7 tỷ đồng lãi thanh lý các khoản đầu tư. 

Lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết trong 6 tháng đầu năm của GMD tăng 143% lên 225,5 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị không còn 49,8 tỷ đồng chi phí đầu tư không hiệu quả, nên chi phí khác giảm 96% xuống 2,3 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận khác đạt 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 30 tỷ đồng. Theo đó, lãi sau thuế bán niên 2022 tăng 94% lên gần 562 tỷ đồng.

Năm 2022, GMD đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 24% so với thực hiện năm 2021. Như vậy sau nửa năm, GMD đã hoàn thành 49% chỉ tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận.

gmd-6-1-.png
Nguồn: BCTC GMD

Tính đến 30/6/2022, GMD đang đầu tư gần 46 tỷ đồng để mua cổ phiếu TDS của CTCP Thép Thủ Đức MMC của CTCP Khoáng sản Mangan, tuy nhiên phải trích lập gần 22 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự phòng toàn bộ giá trị 14 tỷ đã đầu tư vào MMC.

Triển vọng nửa cuối năm

Thị trường vận tải biển thế giới ghi nhận sự sụt giảm của giá cước vận tải container kể từ tháng 2. Giá thuê một container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ có thời điểm lên tới 21.000 USD, nhưng hiện tại vào khoảng 11.000 USD, tức giảm gần 50%.

Theo Drewry, giá cước vận tải biển trung bình đã giảm 21% so với hồi tháng 2/2022, tuy vậy vẫn cao gấp 5 lần so với mức trước đại dịch Covid-19.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics nhận định, giai đoạn nửa cuối năm nay, doanh nghiệp ngành logistics sẽ tăng trưởng chậm lại. Sự chậm lại này sẽ kéo dài đến hết quý I/2023, phụ thuộc vào từng công ty.

Theo ông Thạnh, nhu cầu hàng hóa cuối năm cao hơn nhưng giá cước vận chuyển tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc cũng như chính sách phòng chống dịch của quốc gia này và lạm phát ở các nước, nhưng có tăng thì cũng không tăng mạnh.

Hồi đầu năm 2022, nhiều dự báo cho rằng doanh nghiệp logistics sẽ duy trì đà tăng trưởng cao như năm 2021, tuy nhiên, những dự báo này đều chưa tính hết đến nguy cơ lạm phát tăng cao và kinh tế toàn cầu suy giảm. Khi giá hàng hóa tăng cao, sức cầu giảm sút, các đơn hàng xuất nhập khẩu cũng đi xuống, những ngành liên quan như logistics sẽ ảnh hưởng theo.

Nhận định được bà Đỗ Hồng Vân, Phó phòng Phân tích dữ liệu, Khối Dữ liệu tài chính, Fiin Group đưa ra, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành kinh doanh vận tải biển và logistics đang có xu hướng chậm lại.

Cụ thể, tổng lợi nhuận quý II/2022 của 9/104 doanh nghiệp trong ngành ghi nhận mức tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu được đóng góp bởi Công ty cổ phần Gemadept (thông qua việc vận hành tối đa công suất của cảng mới Gemalink) và Hải An.

Quý II/2022 cũng là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng chậm lại trong bối cảnh chi phí đầu vào (chủ yếu là xăng dầu) tăng cao, nhưng giá cước vận tải biển bị điều chỉnh giảm khoảng 15 - 20% sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng và thiếu container trên toàn cầu dịu bớt.

Áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái khiến nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu yếu đi là trở ngại ngắn hạn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và logistics. Do đó, theo bà Vân, năm 2023 có thể bắt đầu xuất hiện tình trạng dư thừa công suất trong ngành do phần lớn các đơn hàng đóng tàu mới dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2023 và 2024.

Trước đó, Fiin Group đưa ra nhận định, các yếu tố hỗ trợ để ngành logistics bứt phá lên trong nửa cuối năm hiện chưa rõ ràng.

Năm nay, Bee Logistics đặt mục tiêu lợi nhuận tương đương năm ngoái hoặc tăng trưởng. Tuy nhiên, thời điểm này, CEO Công ty không dám khẳng định chắc chắn về khả năng tăng trưởng, “vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Về Gemadept (GMD), doanh nghiệp này được đánh giá tiếp tục hưởng lợi nhờ hệ thống cảng biển và kho vận rộng khắp toàn quốc. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong năm 2022 lần lượt tăng trưởng 7,7% và 67,8%; sản lượng container thông qua cảng chính Gemadept trong năm đạt khoảng 1,9 triệu TEU (tăng 4,2%).

Tuy nhiên, Mirea Asset cũng lưu ý, rủi ro hoạt động tại các cảng chủ chốt trên thế giới tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, lãi suất tăng là các yếu tố có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh của Gemadept trong nửa cuối năm.

Gemadept (GMD) sắp phát hành lượng lớn cổ phiếu bằng 1/7 giá thị trường

Đổ tiền vào M&A, Viconship (VSC) bốc hơi 50% lợi nhuận trong quý 3

Ông lớn đứng sau loạt khách sạn, cao ốc văn phòng bất ngờ bị xử phạt thuế 3,5 tỷ

Bài thuộc chủ đề Vận tải, kho bãi
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gemadept-gmd-lap-dinh-loi-nhuan-sau-16-quy-nua-cuoi-nam-co-the-thut-lui-142639.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Gemadept (GMD) lập đỉnh lợi nhuận sau 16 quý: Nửa cuối năm có thể "thụt lùi"?
POWERED BY ONECMS & INTECH