Giá đường cao lịch sử có tạo nên ‘thời điểm vàng’ cho ngành mía đường hồi phục?
Lần đầu tiên sau 12 năm, giá đường thế giới neo ở mức đỉnh. Và sau nhiều đợt khủng hoảng thăng trầm, cũng như nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước "thời điểm vàng" để đẩy nhanh quá trình phục hồi và lấy lại "quyền" tự chủ...
Khan hiếm nguồn cung đẩy giá đường lên đỉnh 12 năm
Giá đường trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) đã neo ở mức cao 12 năm kể từ đầu tháng 9 đến nay. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết kết phiên ngày 6/11, giá đường đã dừng ở 616,2 USD/tấn - mức cao nhất tính từ tháng 10/2011. Như vậy, giá mặt hàng này hiện đã tăng 150% so với hồi đầu năm và đà tăng này bắt đầu kể từ quý IV năm ngoái.
Nguồn cung đường sụt giảm tại 2 quốc gia sản xuất lớn trên thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đã đẩy giá đường tăng và duy trì ở mức cao như hiện tại. Thậm chí, đã có thời điểm thị trường từng rung lắc mạnh trước thông tin Chính phủ Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24 để ổn định giá nội địa.
Đứng trước những thay đổi lớn về nguồn cung trong khi nhu cầu đường vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 1-2%/năm, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo cán cân cung - cầu đường toàn cầu niên vụ 2022/23 sẽ thâm hụt hơn 2 triệu tấn.
Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ ba Đông Nam Á và xếp thứ 13 trên thế giới. Do đó, việc giá đường thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nguồn cung sụt giảm tại Thái Lan - thị trường cung ứng đường hàng đầu cho Việt Nam đã kéo giá đường đi lên trong những tháng vừa qua. Từ nguồn tin tổng hợp, giá đường bán ra tại các nhà máy của Việt Nam đang dao động trên dưới 28.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với mức trung bình 20.000 - 22.000 đồng/kg trong niên vụ 2022/23, kết thúc vào ngày 30/6/2023.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định rằng phụ thuộc nhiều vào đường nhập khẩu khiến Việt Nam chưa “làm chủ” được giá và chịu biến động đồng pha với giá đường thế giới. Tuy nhiên, những tác động sẽ giảm bớt khi Việt Nam phục hồi được vùng nguyên liệu và dần tự chủ ngành công nghiệp sản xuất đường.
Phục hồi vùng nguyên liệu, quay lại làm chủ ngành mía đường
Kể từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước ASEAN đã giảm xuống còn 5% từ mức 85%. Cũng chính thời điểm này, đường Việt Nam đứng trước “cuộc chiến” không cân sức với đường nhập khẩu về giá. Và đường nhập khẩu trở thành cấu phần chính trong cơ cấu nguồn cung.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trước khi thực hiện giảm thuế xuất nhập khẩu, sản lượng đường tại Việt Nam đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo cam kết của ATIGA, cả người nông dân và doanh nghiệp không còn “mặn mà” với ngành mía đường. Dữ liệu của USDA cũng cho thấy sản lượng đường niên vụ 2019/20 của Việt Nam giảm mạnh 34,6% so với vụ trước, trong khi nhu cầu tăng trưởng 29,2%. Điều này làm tăng lượng đường nhập khẩu của niên vụ đầu tiên sau khi giảm thuế lên gấp 3 lần so với niên vụ trước. Như vậy, tỉ lệ tự cung ứng đường trong 5 niên vụ gần nhất của Việt Nam đã giảm xuống còn 35-40%.
Nhận thấy các nguy cơ có thể sẽ đe dọa ngành mía đường trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía Thái Lan ở mức 47,64%; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN là: Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar. Đồng thời, Nhà nước cũng có nhiều chính sách để khuyến khích, ưu tiên các địa phương xây dựng kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu mía đường, tăng giá thu mua để hỗ trợ người dân trồng mía.
Theo thời gian, các biện pháp dần đạt được những kết quả tích cực. Tổng hợp của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) từ số liệu báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động trong niên vụ 2022/23, diện tích trồng mía vụ vừa qua đạt gần 142.000 ha, tăng 13,75%; sản lượng mía đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng khoảng 28% so với niên vụ 2021/22. Sản lượng sản xuất đạt trên 935.000 tấn đường, tăng hơn 26% so với niên vụ trước.
Dù diện tích mía đã tăng trở lại nhưng vẫn còn khá thấp so với mức trung bình trên 200.000 ha trong giai đoạn trước khi thực hiện ATIGA.
Thậm chí, mức tăng 26% sản xuất đường, không quá nổi bật so với mức tăng 20% lượng đường nhập khẩu theo ước tính của USDA. Điều này đòi hỏi cần phải có một yếu tố mang tính đột phá để quá trình hồi phục biểu hiện rõ nét hơn.
Kết hợp nhiều lợi thế để tạo nên “thời điểm vàng”
Sau giai đoạn tương đối dài giá đường duy trì ở mức cao, ông Dũng cho rằng giá đường khả năng cao sẽ chỉ neo ở vùng giá cao 12 năm, rất khó để có thể bật tăng mạnh hơn nữa trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm. Những lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên toàn cầu vẫn còn nhưng không phải là vấn đề cấp thiết, đặc biệt khi Ấn Độ quyết định gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu thay vì cấm thương mại đường như những đồn đoán trước đó.
Nhiều chuyên gia đã nhận định, giá mía đường thu mua hiện nay tăng lên mức 1,1-1,3 triệu đồng/tấn, tương đương so với các nước trong khu vực là một trong những động lực quan trọng để nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong 2 niên vụ gần đây. Do đó, giá đường vẫn còn động lượng duy trì ở mức cao sẽ là một lợi thế lớn thúc đẩy nông dân trồng mía tại Việt Nam mở rộng diện tích canh tác.
Hiện tại, ngành mía đường Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến năm 2028 đạt quy mô 300.000 ha, quay về thời kỳ canh tác thịnh vượng khi sản xuất đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu dùng.
Như vậy, giá đường duy trì ở mức cao sẽ là một điểm cộng lớn để Việt Nam đẩy nhanh quá trình phục hồi vùng nguyên liệu mía đường. Nhưng để đi lâu dài và hướng tới sự phát triển dài hạn, điều quan trọng vẫn là bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại là cần thiết.
Bên cạnh các chính sách áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, việc xử lý các trường hợp nhập lậu đường mía vào Việt Nam cần quyết liệt và mạnh tay hơn nữa. Bởi theo báo cáo từ VSSA, năm 2022, lượng đường nhập lậu từ Campuchia và Lào, 2 thị trường cung cấp đường không chính ngạch lớn nhất vào Việt Nam vẫn tăng 37,64% so với năm trước, với trên 816.500 tấn.
Giá đường tiếp tục neo ở mức cao kỳ vọng sẽ là một yếu tố quan trọng cấu thành nên “thời điểm vàng” cho Việt Nam đẩy nhanh và mạnh phục hồi ngành công nghiệp mía đường, đưa ngành về với tiềm năng vốn có trước đó.