Giá gạo tăng chóng mặt, một cổ phiếu gấp 4 lần thị giá chỉ trong 10 ngày
Thị giá cổ phiếu lương thực này đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết trong bối cảnh giá gạo tăng vọt đem về cho công ty khoản lãi gấp đôi cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.
So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày. Trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7.
Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu gạo: TAR, LTG, AGM,… đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư tạo ra nhịp tăng nóng tính từ 20/7. Nổi bất nhất là cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – Vinafood 2 đã gấp 4 lần thị giá chỉ trong 10 phiên giao dịch gần nhất (với 8 phiên tăng trần). VSF bật tăng từ mức 7.900 đồng/cp (phiên 21/7) lên 32.700 đồng/cp tại thời điểm 10h00p hôm nay (7/8). Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu VSF được niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4/2018 đến nay. Thanh khoản bình quân tăng vọt lên mức hàng trăm nghìn đơn vị, so với mức chỉ vài nghìn đơn vị như thông thường.
Giải trình trước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc giá cổ phiếu VSF tăng trần 5 phiên liên tục từ ngày 31/7, lãnh đạo Vinafood 2 cho biết giá cổ phiếu công ty tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Vinafood 2 nhấn mạnh “Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường”.
Vinafood 2 hiện là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 mang về 11.337 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 58% so với cùng kỳ, và lãi ròng gần 10 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giảm 62%, thêm cổ phiếu ăn khách có nguy cơ bị đình chỉ giao dịch
Lộc Trời (LTG) báo lỗ kỷ lục 327 tỷ trong quý 3, vay nợ thêm 3.700 tỷ