"Các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý, rà soát các chi phí cấu thành giá, điều chỉnh kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn thành phố", Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội lưu ý.
Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu 6 đợt, tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.
Văn bản của Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội nêu rõ, qua theo dõi giá nhiên liệu xăng, dầu, từ thời điểm ngày 1/1 đến 21/7 đã giảm giá 6 lần. Đặc biệt, từ kỳ điều hành ngày 1/8 vừa qua, xăng dầu liên tiếp giảm sâu 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng.
Vì vậy, để thực hiện tốt công tác điều hành giá năm 2022 theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải xe khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước, kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở.
Với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện rà soát các chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm.
Đồng thời, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định.
"Thanh tra giao thông, Phòng Kế hoạch Tài chính phối hợp với Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn TP. Hà Nội", Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần chủ động tham mưu cho UBND tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời, đồng thời, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 20/8.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, sau khi thanh, kiểm tra phát hiện có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng chế tài mạnh như xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải.
Cùng với đó, bổ sung hình phạt như doanh nghiệp phải trả lại tiền cho hành khách, thậm chí, các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải.
Sau khi thông tin trên được công bố, nhiều người dân đã tỏ ra vui mừng, bởi khi giá xăng tăng thì giá các dịch vụ vận tải như taxi, xe khách, xe ôm,... đồng loạt tăng cao, trong khi giờ đây giá xăng đã giảm sâu nhưng các dịch vụ này vẫn giữ mức giá cũ. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ cần có quy định và chế tài xử phạt rõ ràng để các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, tránh tình trạng lách luật, lấy cớ bù lỗ để tiếp tục tăng giá cước.
Giá dầu lao dốc mạnh, giá xăng có thể xuống 21.000 đồng/lít