Giá phân bón tăng 30 - 50% sau hơn 2 tháng, triển vọng tăng còn kéo dài
Chính phủ Trung Quốc mới đây yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá trong nước tăng vọt.
Trong nước, tình hình tiêu thụ phân bón hiện khá trầm lắng do nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu cũng chưa ghi nhận tín hiệu lạc quan. Tình hình thực tế, nhu cầu tiêu thụ phân ure cho cây trồng tại các khu vực đều ở mức thấp/hạn chế.
Riêng tại khu vực miền Bắc, nhiều diện tích lúa Hè Thu đã bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Còn khu vực miền Trung đang thu hoạch lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm ngưng. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ tại một số khu vực ở ghi nhận ở mức thấp.
Do giá ure hiện dao động với biên độ hẹp, sức mua trên thị trường yếu dẫn tới giá bán tại các nhà phân phối đang giảm nhẹ.
Tuy nhiên, giá phân ure thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khi tăng liên tục từ trung tuần tháng 6 đến nay (từ 24 - 50% tại các thị trường khác nhau). Thậm chí, giá phân ure trung bình đã tăng 24% chỉ trong tháng 7 và hiện tương đương thời điểm tháng 1 - 2/2023.
Đà tăng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sau thông tin Trung Quốc yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá trong nước tăng vọt.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BSC, phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới (ước tính trong 2 quý cuối năm có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 đồng/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy hồi đầu tháng 6).
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước trong giai đoạn cuối năm sẽ được cải thiện nhờ nhu cầu chăm bón trong mùa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực phía Bắc.
Cần chú ý, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh hơn trong quý 4 - thời điểm vụ Đông Xuân bắt đầu - có thể đẩy giá lên.
Đối với thị trường thế giới, nhiều chuyên gia dự báo giá ure sẽ tăng nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và khí nguyên liệu đầu vào thời gian tới. Thêm vào đó, việc Nga áp đặt hạn ngạch cũng là yếu tố có thể khiến giá phân ure tăng trong những tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện vẫn tiềm ẩn rủi ro từ phân bón nhập khẩu giá rẻ. Trong bối cảnh nguồn cung thế giới dần hồi phục và giá bán ổn định, sản lượng tiêu thụ sẽ là động lực chính hỗ trợ cho ngành phân bón nội địa trong 2023.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước có thể đối mặt với sức ép từ sản phẩm nhập khẩu với mức giá rẻ hơn.
Đạm Cà Mau (DCM) ký kết với doanh nghiệp Trung Quốc, phân phối sản phẩm độc quyền tại Việt Nam
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Áp thuế GTGT phân bón 5%, nông dân được hưởng lợi!