Như vậy, chỉ trong 2 tuần, giá thép trong nước đã tăng 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng hơn 2 triệu đồng.
Chiều ngày 13/9/2022, nhiều doanh nghiệp thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 880.000 đồng/tấn. Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp sau 15 lần giảm.
Cụ thể, thép Việt Nhật tăng lần lượt 880.000 đồng/tấn và 470.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ nguyên với 15,12 triệu đồng/tấn. Sau điều chỉnh, giá CB240 là 14,82 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 400.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 400.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,12 triệu đồng/tấn và 15,38 triệu đồng/tấn sau khi tăng lần lượt 480.000 đồng/tấn và 130.000 đồng/tấn.
Với thép Miền Nam, giá CB240 và D10 CB300 tăng lần lượt 410.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 15,43 triệu đồng/tấn và 15,83 triệu đồng/tấn.
Về thép Thái Nguyên, hai loại trên là 15,2 triệu đồng/tấn và 15,66 triệu đồng/tấn sau khi tăng 580.000 đồng/tấn và 490.000 đồng/tấn.
Trước đó, ngày 6/9/2022, các doanh nghiệp thép Việt Nam thông báo tăng giá bán với các mặt hàng thép. Tuy nhiên, mức tăng có sự chênh lệch rất lớn, tăng mạnh nhất là Pomina với 490.000 đồng/tấn.
Như vậy, chỉ trong 2 tuần, giá thép trong nước đã tăng 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng hơn 2 triệu đồng.
Về thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai ngày 13/9 là 3.920 Nhân dân tệ/tấn, tăng gần 0,1% so với ngày trước đó và là mức cao nhất từ ngày 30/8.
Về giá giao ngay, thép không gỉ là 15.685 Nhân dân tệ/tấn (2.264 USD/tấn), tăng gần 4% so với ngày trước đó và là mức cao nhất từ ngày 25/7. Thép cuộn cán nóng là 3.982 nhân dân tệ/tấn (575 USD/tấn), tăng gần 1% so với ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 8.
Cuộn cán nguội cũng tăng 0,7% lên 4.403 nhân dân tệ/tấn (635 USD/tấn). Giá mặt hàng này ít biến động kể từ giữa tháng 8.
Nhiều kim loại màu cũng tăng giá. Cụ thể, bạc tăng 4% lên 4.433 nhân dân tệ/tấn (640 USD/tấn), tăng 3,8% so với ngày trước đó. Giá nickel tăng 3,7% lên 196.200 nhân dân tệ/tấn (28.332 USD/tấn). Giá nhôm cũng tăng 0,1% lên 18.726 nhân dân tệ/tấn (2.704 USD/tấn).
Việt Nam nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép trong 8 tháng đầu năm 2022
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8/2022, nhập khẩu thép giảm 13,6% so với tháng trước, ở mức 785.000 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này giảm 16,3% xuống 513.000 tấn. Việt Nam tiếp tục nhập siêu 272.000 tấn sắt thép trong tháng 8.
Lũy kế 8 tháng, nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép, trái ngược với cùng kỳ năm trước khi Việt Nam xuất siêu gần 330.000 tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) lý giải, năm trước, xuất khẩu thép tăng khả quan là do các nước nhập khẩu lớn đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế sau Covid-19. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thép thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn đều đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hóa nói chung và sắt thép nói riêng giảm. Điều này đặt ngành thép Việt Nam vào nhiều khó khăn và thách thức trong giai đoạn này.
MXV nhận định, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm do các nhà máy thép tại Châu Âu đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn khởi sắc hơn khi hàng loạt các dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Ngành sắt thép cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nhằm tận dụng cơ hội từ trong thách thức.
Giá thép trong nước hồi thêm 500.000 đồng/tấn: Tín hiệu tích cực cho ngành thép trong quý IV