Giá vàng sẽ biến động ra sao trong tuần tới?
Các chuyên gia cho rằng, biến động của giá vàng trong tuần tới có liên quan chặt chẽ tới biến động của đồng USD.
Trong tuần này, thị trường vàng thế giới tiếp tục củng cố trong biên độ hẹp khi các nhà đầu tư dao động bởi những đồn đoán liên quan đến thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc tuần, khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng 3 đã giảm xuống gần 50%, giảm đáng kể so với mức 80% mà các thị trường kỳ vọng trong tuần trước. Sự thay đổi "diều hâu" trong chính sách tiền tệ của Mỹ đã khiến giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần và neo trên 2.000 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm thứ 2.
>> Điểm tin ngân hàng tuần qua: Rất nhiều tin 'nóng' diễn ra với ngành tài chính
Căng thẳng tại Trung Đông đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng trong phiên giao dịch đầu tuần, bởi kim loại quý này vốn được coi là tài sản đầu tư an toàn trong giai đoạn bất ổn. Tuy nhiên, đà tăng này không được duy trì lâu khi giá vàng giảm hơn 1% trong phiên giao dịch liền sau đó (ngày 16/1) do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng.
Giá vàng có thể biến động |
Nhìn vào biến động thời gian qua, các chuyên gia phân tích không mong đợi giá vàng sẽ sớm thoát khỏi giai đoạn củng cố khi các dữ liệu kinh tế cung cấp rất ít thông tin về đường hướng chính sách tiền tệ tương lai của Mỹ. Theo chiến lược gia đầu tư Naeem Aslam của Zaye Capital Markets, có vẻ như các nhà giao dịch đang cảm thấy thoải mái khi nắm giữ các tài sản rủi ro hơn và kịch bản củng cố sẽ tốt nhất cho vàng.
Một số nhà phân tích đã lưu ý các nhà đầu tư vàng nên theo dõi chặt chẽ biến động của đồng USD khi đồng bạc xanh vẫn tiếp tục là một trong những yếu tố tác động đến hành động giá của kim loại quý. Tuần tới, đồng USD có thể sẽ chứng kiến nhiều biến động khi 3 ngân hàng trung ương lớn đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.
Cụ thể, cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản diễn ra vào đầu tuần với các ý kiến dự báo, ngân hàng này có thể sẽ duy trì lập trường ôn hòa. Trong khi đó, với lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 12, Ngân hàng Trung ương Canada dự báo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định.
Các chuyên gia cho rằng, biến động của đồng USD và vàng sẽ chịu tác động lớn nhất bởi quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuần vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), các thành viên của ECB đã phản đối việc cắt giảm lãi suất sớm. Chính sách "diều hâu" của ECB có thể gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Một rủi ro khác với đồng USD là dữ liệu trong nước bởi các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ được công bố vào thứ Sáu. Các chuyên gia phân tích cho rằng, báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) không giảm như dự kiến, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Nhiều ý kiến lưu ý rằng, nhu cầu vật chất vững chắc ở thị trường châu Á tiếp tục hỗ trợ thị trường kim loại quý. Các nhà phân tích hàng hóa của TD Securities cho biết họ kỳ vọng nhu cầu vững chắc từ các công ty của Trung Quốc trước thềm Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Ngược với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục biến động với biên độ lớn. Bắt đầu tuần mới, giá vàng giảm mạnh về gần ngưỡng 76 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá kim loại màu vàng nhanh chóng đảo chiều và giữ đà tăng trở lại gần 77 triệu đồng/lượng.
Bất chấp Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cơ quan chức năng cùng kiểm soát thị trường vàng, giá vàng vẫn biến động khó lường với biên độ lớn. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 16 triệu đồng/lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, giới đầu tư trong nước cần phải cẩn trọng thời điểm này, bởi khi cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc để lập lại trật tự kinh doanh vàng, giá vàng có thể giảm sâu.