Giá xăng dầu hôm nay 22/12/2023 trên thị trường quốc tế tiếp mạch giảm từ phiên trước. Giá dầu đi xuống do lo ngại về nhu cầu giảm. Còn tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ chiều qua.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/12/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 22/12 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/12 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng dầu trong nước được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng tăng mạnh, trong đó xăng RON 95 tăng mạnh nhất sau 5 lần giảm liên tiếp.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 680 đồng/lít, giá bán là 21.190 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 740 đồng/lít, giá bán lên mức 22.140 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.520 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 530 đồng/lít, lên 20.490 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/12 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.140 | + 740 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.190 | + 680 |
Dầu diesel | 19.520 | + 510 |
Dầu hỏa | 20.490 | + 530 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/12 tiếp mạch giảm từ phiên hôm trước.
Hôm 21/12, giá xăng dầu thế giới quay đầu lao dốc sau 3 phiên tăng tốc, mất mốc 80 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h12' ngày 21/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,63 USD/thùng, giảm 1,07 USD, tương đương 1,34% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,23 USD/thùng, giảm 0,99 USD, tương đương 1,33% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định giá dầu đi xuống do lo ngại nhu cầu giảm sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh.
Thị trường dầu mỏ phản ứng tiêu cực với báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Báo cáo của EIA cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 15/12, cao hơn so với dự báo các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters là 2,3 triệu thùng. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng 939.000 thùng dầu theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra trước đó.
Cũng theo EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.
Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất của Mỹ cũng tăng mạnh. Điều này phản ánh nhu cầu yếu tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.
Dự trữ dầu thô tăng và sản lượng dầu của Mỹ lên mức kỷ lục đã gây thêm áp lực lên giá dầu.
Đồng thời, thông tin này đã hạn chế nỗi lo về sự gián đoạn thương mại toàn cầu do căng thẳng ở Trung Đông.
Trước đó, giá dầu thế giới đã tăng 3 phiên liên tiếp do các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn thương mại khi các hãng vận tải hàng hải lớn tránh tuyến Biển Đỏ mà chuyển sang các tuyến đường dài hơn, làm tăng chi phí vận chuyển và bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đà tăng của giá dầu trong các phiên trước chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Trên thực tế, dòng chảy dầu toàn cầu có thể không bị ảnh hưởng quá nặng nề như thị trường đang lo ngại. Bởi dù 12% lưu lượng vận tải biển đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez nhưng phần lớn dầu thô Trung Đông được xuất khẩu qua eo biển Hormuz. Đây mới là tuyến đường vận chuyển huyết mạch, chiếm 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu.