Theo dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng tiếp vào ngày mai (12/6). Trường hợp cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá mặt hàng nhiên liệu có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
Theo lịch, chiều 11/6, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần. Nhưng do trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi sang ngày làm việc đầu tiên của tuần sau (tức thứ Hai, ngày 12/6).
Trên thị trường thế giới, tuần qua, giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm hơn 1 USD. Chốt tuần, giá dầu Brent xuống mức 74,79 USD/thùng, dầu WTI ở mức 70,17 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống chủ yếu do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và dự trữ xăng của Mỹ tăng, làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ của 2 quốc gia sử dụng dầu hàng đầu thế giới.
Một số doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ cho biết, mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động giảm hai tuần liên tiếp, nên nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương ngày mai 12/6, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ hoặc giữ nguyên.
Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho rằng: Nếu giá xăng dầu trên thế giới biến động và tiếp tục tăng vào ngày mai (12/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng từ 200 - 300 đồng/lít. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này thế nào còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/6, xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, lên 20.870 đồng/lít; RON 95 tăng 520 đồng/lít, lên 22.010 đồng/lít.
Trước đó, vào giữa tháng 5, sau khi giá xăng giảm sốc phiên thứ 2 liên tiếp, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định về xăng dầu. Nhóm này cho biết hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh kéo dài vì những bất cập tại Nghị định 95/2021.
Cụ thể, các chủ cây xăng cho rằng Nghị định 95 được xây dựng trên cơ sở có lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Trong quá trình xây dựng Nghị định, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý dù họ là thành phần rất lớn tham gia thị trường, đồng thời doanh nghiệp bán lẻ bị coi nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối.