Dự kiến 6 tháng cuối năm ngành dệt may xuất khẩu vẫn vô cùng khó khăn nên doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thuế suất và lãi vay để vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam năm nay đặt mục tiêu kim ngạch đạt 45-46 tỉ USD, tuy vậy, giá trị xuất khẩu các tháng đầu năm đã giảm mạnh so với năm 2022. Để nắm bắt nguyện vọng và đề xuất hướng giải quyết của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm, Diễn đàn Doanh nghiệp có buổi phỏng vấn ông Đỗ Xuân Hưng – Giám đốc tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi.
- Thưa ông, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc năm nay đã giảm mạnh so với năm 2022, vậy theo ông đâu là những nguyên nhân chính khiến tỷ trọng xuất khẩu của chúng ta lao dốc?
Có thể nói, không chỉ riêng ngành may mặc mà kim ngạch xuất khẩu của hầu như tất cả các ngành hàng đều giảm mạnh trong năm 2023 này so với năm 2022 dẫn đến kim ngạch xuất khẩu chung cả nước trong 5 tháng đầu năm giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu xét riêng ngành dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 14 tỷ USD giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động bất lợi của kinh tế thế giới đến tiêu dùng toàn cầu nói chung và tiêu dùng tại các nước phát triển nói riêng. Điều này tác động xấu đến niềm tin của người tiêu dùng dẫn đến suy giảm sức mua, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tăng cao kỷ lục tại các nước có nền kinh tế phát triển từ năm 2022 dẫn đến giá cả leo thang, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng, khiến họ phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu.
Một số yếu tố khác như chiến tranh Nga – Ukraina, giá dầu thế giới biến động, các ngân hàng Trung ương của hàng loạt nước lớn tăng lãi suất liên tục, tình trạng bất ổn của hệ thống tài chính thế giới khi một số ngân hàng phá sản, Trung Quốc chậm mở của với thế giới do chống dịch dẫn đến nguồn cung hàng hóa thiếu hụt.
Chính vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, các nhãn hàng lớn đã phải cắt đơn hàng và giảm lượng đặt hàng và chia nhỏ đơn hàng. Điều này làm cho các nhà sản xuất trong nước như công ty chúng tôi gặp phải tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng hoặc đơn hàng bị xé lẻ gây khó khăn trong việc tổ chức sản xuất và bị động trong việc lập kế hoạch sản xuất.
- Nói như vậy thì tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ còn khó khăn nữa, thưa ông?
Hiện nay, lạm phát tại các nước phát triển đã vượt đỉnh và đang có xu hướng điều chỉnh giảm. Chính vì vậy, Cục dự trự Liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất trong phiên họp tháng 6 vừa qua và giá dầu lửa đã ổn định và được kiểm soát trở lại.
Đặc biệt là Trung Quốc đã mở cửa với thế giới và có những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và kích cầu tiêu dùng. Tôi hy vọng điều này sẽ tác động tích cực đến tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng trong nửa cuối của năm nay và tình hình kinh tế sẽ được xoay chuyển và có nhiều khởi sắc từ cuối năm nay.
Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều thuận lợi khi lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 3%-4%. Tỉ giá được giữ ổn định và đồng tiền không bị mất giá mạnh như các đồng tiền của các nước khác trên thế giới. Có thể nói, thế mạnh của chúng ta là có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, có lực lượng lao động khéo léo, chăm chỉ, chuyên cần và có tay nghề tốt.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Việt Nam gần Trung Quốc là nơi có nguồn cung nguyên liệu dệt may cũng là một thuận lợi để các nhãn hàng lớn trên thế giới khi đặt Việt Nam là lựa chọn đầu tiên trong chính sách “Trung Quốc + 1” của họ.
Ngoài ra, các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như khu vực đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hàng dệt may của Việt Nam vào các thị trường trên thế giới có mức thuế ưu đãi để cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa của các quốc gia khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhìn thấy sự tăng trưởng về số lượng đơn hàng, nói chung, tình hình nửa cuối năm 2023 tình hình xuất khẩu của may mặc vẫn tương đối khó khăn.
- Doanh nghiệp Tinh Lợi đã đặt ra những giải pháp nào để vượt qua khó khăn và thực hiện mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023?
May Tinh Lợi có sản lượng hàng xuất khẩu lớn và cũng không nằm ngoài tình hình chung của các doanh nghiệp trong ngành may mặc. Từ Quý 4 năm 2022 đến nay, chúng tôi đã và đang gặp phải vấn đề thiếu đơn hàng. Để vừa đối phó với lượng đơn đặt hàng sụt giảm và vừa giữ chân được đội ngũ lao động hiện tại, Ban giám đốc Công ty đã thực hiện hàng loạt giải pháp để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm, cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động. Thực hiện tất cả các biện pháp tốt nhất để giữ chân toàn bộ người lao động hiện tại để có thể nắm bắt ngay được cơ hội kinh doanh khi có đơn hàng tăng trở lại.
Ngoài ra doanh nghiệp còn thực hiện một số giải pháp như: Chủ động thông báo cho người lao động tình hình kinh doanh hiện tại để người lao động thấu hiểu,đồng lòng cùng Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Song song với điều chỉnh kế hoạch sản xuất của nhà máy và phân phối đơn hàng một cách linh hoạt để đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động cũng như đảm bảo tiến độ giao hàng.
Đặc biệt là nghiên cứu thị trường nội địa, nhận thêm đơn hàng nội địa để đảm bảo người lao động có việc làm và cải thiện thu nhập, đồng thời cũng thực hành tiết kiệm triệt để trên toàn Công ty.
- Ông nhận định như thế nào về cơ hội xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, với bối cảnh chung, ông có những ý kiến nào cần đề xuất?
Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến theo hướng tích cực. Lạm phát tại các nước phát triển đã vượt đỉnh và đang có xu hướng điều chỉnh giảm. Chính vì vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất trong phiên họp tháng 6 vừa qua. Trong đó giá dầu lửa đã ổn định và được kiểm soát trở lại. Đặc biệt là Trung Quốc đã mở cửa với thế giới và có những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và kích cầu tiêu dùng. Những yếu tố này là điểm sáng để kinh tế toàn cầu hồi phục và thoát ra khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Tôi hy vọng nó sẽ tác động tích cực đến tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng trong nửa cuối của năm nay, theo đó tình hình kinh tế sẽ được xoay chuyển và có nhiều khởi sắc từ cuối năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn thấy rằng chưa có sự tăng trưởng về số lượng đơn đặt cho ngành dệt may Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Nói chung, tình hình nửa cuối năm 2023 vẫn tương đối khó khăn.
Trước những khó khăn trên, chúng tôi đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm như kiềm chế lạm phát và kiềm chế tăng giá hàng tiêu dùng, đồng thời giãn giảm thuế, giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp, ổn định tỉ giá hối đoái để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn đứng vững được trong giai đoạn khó khăn này.
Thứ hai, tạm thời chưa ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2023 để hạn chế lạm phát và bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Chính phủ và các Bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động như tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính công theo hướng minh bạch hóa, số hóa và tự động hóa, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Thứ tư, Chính phủ có các biện pháp nhanh chóng, thiết thực bằng các hình thức như ưu đãi thuế hoặc bằng tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển bền vững, công nghệ sản xuất xanh, sạch, đổi mới sáng tạo như ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, số hóa, sử dụng năng lượng tái tạo….
Xin cảm ơn ông!
‘Ông lớn’ ngành may mặc lấn sân sang mảng bất động sản với dự án quy mô 70 triệu USD
‘Cú sốc Amazon’ có lặp lại, khiến TNG điêu đứng như doanh nghiệp dệt may nghìn tỷ Gilimex?