'Bốc hơi' hơn 5 tỷ USD doanh thu, ông lớn ngành may mặc vẫn nuôi sống nửa triệu lao động Việt
May Việt Tiến (Mã VGG) là doanh nghiệp thuần Việt duy nhất lọt vào danh sách các đối tác của ông lớn ngày may mặc này tại Việt Nam.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tập đoàn Nike vừa công bố báo cáo tài chính quý IV năm tài khóa kết thúc ngày 31/5/2024. Dù vượt kỳ vọng Phố Wall, hãng vẫn ghi nhận cú lao dốc đáng lo ngại về lợi nhuận, giảm tới 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp thể thao hàng đầu thế giới hiện đang trải qua quá trình tái cấu trúc toàn diện, đồng thời đối mặt với gánh nặng thuế quan mới có thể khiến chi phí tăng thêm khoảng 1 tỷ USD trong năm tài khóa 2026.
Dù doanh thu năm tài khóa 2025 đạt 46,3 tỷ USD – vượt xa kỳ vọng và tiếp tục bỏ xa các đối thủ cùng ngành. 3 tháng gần nhất (kết thúc ngày 31/5), hãng ghi nhận lợi nhuận ròng lại sụt giảm mạnh tới 86%, chỉ còn 211 triệu USD. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm, chủ yếu do hãng phải đẩy mạnh xả hàng tồn qua kênh giảm giá – vốn có biên lợi nhuận thấp hơn nhiều so với kênh trực tiếp.
Ngoài ra, hãng thể thao số 1 thế giới còn đang đối mặt với áp lực tăng chi phí khoảng 1 tỷ USD trong năm tài khóa 2026 nếu các chính sách thuế quan mới có hiệu lực. Trước biến động này, Nike tuyên bố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ điều chỉnh chuỗi cung ứng, tái cấu trúc nội bộ, hợp tác sâu với đối tác bán lẻ – đến việc giảm tỷ trọng sản xuất tại Trung Quốc từ 16% xuống dưới 10% trong năm tài khóa tới.
Việt Nam – “công xưởng toàn cầu” của Nike
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam hiện là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Nike, cả về giày dép và hàng may mặc. Cụ thể, 51% tổng sản lượng giày của hãng được sản xuất tại Việt Nam (so với 50% năm trước), vượt xa Indonesia (28%) và Trung Quốc (17%). Ở mảng may mặc, tỷ trọng sản xuất tại Việt Nam cũng tiếp tục tăng lên 31% – cao hơn cả Trung Quốc và Campuchia (cùng 15%).
Tính đến đầu năm 2025, Nike đang vận hành tới 162 nhà máy tại Việt Nam, do 98 doanh nghiệp đối tác điều hành, với tổng số lao động hơn 492.000 người – tương đương dân số một tỉnh. Những nhà cung ứng quy mô lớn nhất gồm Huali, Taekwang, Feng Tay, Chang Shin, Pou Chen... Trong đó, Huali có tới 59.421 công nhân, dẫn đầu toàn chuỗi. Đáng chú ý, May Việt Tiến (Mã VGG) là doanh nghiệp thuần Việt duy nhất lọt vào danh sách các đối tác của Nike tại Việt Nam.
![]() |
Sức ép giảm nhưng Nike vẫn giữ vị thế số 1
Mặc dù tổng doanh thu giảm 10% so với năm trước đó (từ 51,4 tỷ USD), Nike vẫn vượt xa các đối thủ như Adidas (hiện đạt ~25 tỷ USD). Trong cơ cấu doanh thu, giày dép vẫn là chủ lực với 29,5 tỷ USD, theo sau là hàng may mặc (13 tỷ USD) và thiết bị thể thao (2,2 tỷ USD – tăng 6%). Về nhóm khách hàng, sản phẩm dành cho nam giới chiếm tới 23,2 tỷ USD, tiếp theo là nữ giới (9,7 tỷ USD), Jordan (7,3 tỷ USD) và trẻ em (5,7 tỷ USD).
Về thị trường, Bắc Mỹ là “mỏ vàng” lớn nhất của Nike, đóng góp 44% doanh thu. Các khu vực khác gồm EMEA (châu Âu, Trung Đông, châu Phi – 27%), Trung Quốc (15%) và châu Á – Mỹ Latin (14%).
Dù đang trải qua giai đoạn nhiều thách thức, với việc duy trì quy mô gần nửa triệu lao động tại Việt Nam và vị thế thống trị toàn cầu, Nike cho thấy tầm vóc của một tập đoàn đa quốc gia với sức ảnh hưởng vượt trội trong ngành thể thao.