Giai thoại về vị danh tướng được ví như Quách Tử Nghi của Việt Nam: Giỏi ngoại ngữ và có tài ngoại giao, 'xử gọn' quân phản loạn chỉ bằng 1 bát rượu

15-05-2024 13:29|Quỳnh Như

Ông biết nhiều thứ tiếng khác nhau, kể cả của các dân tộc thiểu số trong nước, lẫn tiếng của các nước láng giềng.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255-1330) là vị hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Ông là người văn võ song toàn, làm quan qua nhiều đời vua nhà Trần với chức cao nhất là Thái sư. Thêm nữa, ông lại là con người nghệ sĩ, thích nghiên cứu ngôn ngữ, mê đàn sáo…

Với Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, các nhà sử học thời phong kiến không thể tìm ra được khiếm khuyết để chê ông dù vị tướng này không có dáng vẻ đạo mạo, mẫu mực của nhà Nho mà có cuộc sống phóng khoáng đầy chất thơ.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi: "Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy".

Danh tướng giỏi ngoại ngữ bậc nhất lịch sử

Ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, hiểu sâu, biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia, thông thạo nhiều ngoại ngữ và phong tục, tập quán các nước láng giềng.

Tượng đài nguyên lão tứ triều Trần Nhật Duật tại cửa sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Tượng đài nguyên lão tứ triều Trần Nhật Duật tại cửa sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ. Ông cũng rất hay giao du, thăm hỏi người Chiêm, người Tống trong nước. Vì vậy, khi mới 20 tuổi, ông đã được triều đình giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (nay là Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.

Sau chuyện này, có người hỏi ông vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích? Ông trả lời “thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.

Lúc bấy giờ, theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang thì triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, Tể tướng không được người trực tiếp đối thoại, đề phòng việc xảy ra sai sót gì thì còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng Tể tướng Trần Nhật Duật, khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết.

Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông cũng đã có lần nói với ông rằng “chú Chiêu Văn (Trần Nhật Duật là chú ruột của vua Trần Nhân Tông) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó”.

Nhà quân sự đại tài, nhà ngoại giao lỗi lạc

Ông được sử sách lưu danh là vị tướng đầu tiên dẹp yên quân nổi loạn bằng một bát rượu mà chẳng cần tốn một mũi tên hòn đạn nào. Theo đó, năm 1280, tù trưởng địa phương ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình.

Tin dữ đến với vua quan nhà Trần trong lúc nhà Nguyên đang sửa soạn quân xâm lược Đại Việt lần thứ hai, vì vậy cần phải mau chóng dẹp ngay mối bất hòa trong nước. Người đảm đương trọng trách này không ai hơn Trần Nhật Duật.

Khi Trần Nhật Duật dẫn quân tới đạo Đà Giang, Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh đưa thư nói: "Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay".

Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi. Khi tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc sắc phục kì dị, lăm lăm gươm giáo được bày ra để dọa dẫm. Trần Nhật Duật nói với chuyện Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang.

Thậm chí, ông còn “ăn bằng tay, uống bằng mũi” như phong tục của họ. Chính sự hiểu biết về văn hóa của Trần Nhật Duật khiến Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”.

Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Nhờ vậy, cả miền Đà Giang đã được Trần Nhật Duật thu phục chỉ bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu nào.

Ngoài tài năng nổi bật về vốn kiến thức ngoại ngữ phong phú của mình, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn là một nhà quân sự đại tài, một nhà ngoại giao lỗi lạc, một nhà văn hóa uyên bác trong lịch sử dân tộc.

Trần Nhật Duật trong kháng chiến chống Mông - Nguyên. Ảnh minh họa/Báo Dân Việt

Trần Nhật Duật trong kháng chiến chống Mông - Nguyên. Ảnh minh họa/Báo Dân Việt

Ông chính là người chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan đội quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử vào năm vào cuối tháng 4/1285. Sách Đại việt sử ký toàn thư từng chép rằng “công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.

Dưới triều vua Trần Minh Tông, Trần Nhật Duật được phong làm Tá Thánh Thái sư, đời vua Trần Hiến Tông, ông được phong tước hiệu Chiêu Văn đại vương.

Dù nắm giữ chức vị Tể tướng triều Trần, làm quan trải qua 4 triều vua, có công lớn trong đánh giặc, nhưng Trần Nhật Duật luôn giữ được tiết táo thanh cao, nhã nhặn của mình. Với mọi việc ông đều suy xét kỹ càng, chu toàn, không dựa vào chức tước trong tay để uy hiếp người khác.

Năm 1330, Chiêu Văn đại vương Nhật Duật qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.

Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh, ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của Đại Việt thời kỳ này.

Tham khảo:

- Bốn giai thoại ít biết về danh tướng giỏi ngoại ngữ nhất sử Việt - Báo Vietnamnet

- [Thông điệp từ lịch sử] Trần Nhật Duật - vị tướng hào hoa - Báo Kinh tế và Đô thị

- Vị tướng giỏi ngoại ngữ nức tiếng triều Trần - Báo Giáo dục & Thời đại

- Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật: Danh tướng mềm mỏng - Báo CAND

>> Vị Chúa Trịnh đầu tiên và quyền lực nhất lịch sử: Được ví như Tào Tháo của Việt Nam, là người khai mở cơ đồ 200 năm của họ Trịnh

Thân thế người được mệnh danh là 'bà tướng Việt Minh': Hậu duệ đời thứ 21 của nhà toán học Lương Thế Vinh, quân địch treo thưởng 2 vạn bạc Đông Dương để bắt cho bằng được

Vị tướng dân tộc Tày là Tham mưu trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hai lần xung phong Nam tiến, từng được điều động làm Phó giám đốc Học viện Quốc phòng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/giai-thoai-ve-vi-danh-tuong-duoc-vi-nhu-quach-tu-nghi-cua-viet-nam-gioi-ngoai-ngu-va-co-tai-ngoai-giao-xu-gon-quan-phan-loan-chi-bang-1-bat-ruou-d122643.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giai thoại về vị danh tướng được ví như Quách Tử Nghi của Việt Nam: Giỏi ngoại ngữ và có tài ngoại giao, 'xử gọn' quân phản loạn chỉ bằng 1 bát rượu
    POWERED BY ONECMS & INTECH