Mặc dù tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế nửa đầu năm ở mức cao khi đạt 5,47% tính đến ngày 21/6, song do ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư, cầu vốn doanh nghiệp đang chậm lại. Các ngân hàng đã bất ngờ giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng.
Mới đây, các ngân hàng thương mại cam kết giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.
Trước đó, Agribank, VCB, BIDV, VietinBank, HDBank, MBB, ACB, HDB, Sacombank, TPBank, VIB, MSB, VietCapitalBank, VPBank... đã giảm 1-2% lãi vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã nới thêm room tín dụng, qua đó giúp một số ngân hàng thương mại có thể giảm thêm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm cho nhóm ngân hàng quốc doanh như Agribank, BIDV, VietinBank là 6,5 - 7,5%. Riêng Vietcombank được giao 10,5%, MBBank, VPBank, Techcombank được cấp chỉ tiêu tín dụng cao hơn hẳn, 10,5 - 12%. Các ngân hàng thương mại còn lại như VIB, ACB, Sacombank dao động trong khoảng 8,5 - 9,5%... Như vậy, so với chỉ tiêu tín dụng được giao, không ít nhà băng đã cho vay gần hết và đã được Ngân hàng Nhà nước nới room.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 5 tháng cuối năm, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các chính sách chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trước diễn biến của làn sóng Covid-19 thứ 4 còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cuối năm 2020, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,5% so với đầu năm.
Thế nhưng, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ tư sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế nửa đầu năm ở mức cao khi đạt 5,47% tính đến ngày 21/6, song do ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư, cầu vốn doanh nghiệp đang chậm lại. Các ngân hàng đã bất ngờ giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng.
Theo kết quả khảo sát vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước.
Cơ bản các nhóm tổ chức tín dụng đều điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021 so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước do quan điểm thận trọng hơn trước tác động khó lường của dịch Covid-19 trong nửa cuối năm 2021.
Kể cả trong nửa cuối năm thường được xem là mùa vụ cao điểm, cầu vốn doanh nghiệp tăng, nhưng theo ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tình hình năm nay sẽ khác, bởi khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp, đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn bởi Covid-19. Nhiều nhà máy đóng cửa, hoạt động bị tê liệt, đặc biệt tại khu vực TP.HCM, khi đang phải thực hiện giãn cách xã hội dài ngày để kiểm soát dịch bệnh.
Vả lại, sức khỏe doanh nghiệp yếu dần do ảnh hưởng dịch bệnh cũng là rào cản lớn trong tiếp cận khoản vay mới, do khó đáp ứng được điều kiện tín dụng. Ngân hàng cũng phải tăng cường kiểm soát rủi ro, nhằm hạn chế nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, các khoản vay mới tiếp tục được mở rộng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV dự báo, tín dụng của nền kinh tế trong năm nay tăng 10-15% là phù hợp. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận ngân hàng có nguy cơ giảm, do nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lãi suất cho vay còn dư địa giảm, nhưng không dàn trải trên toàn hệ thống. VCBS cho biết, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng có thể đạt được khi lãi suất huy động đã giảm trong 1 năm gần đây và tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc giảm lãi suất là rất khó, nhưng lúc này, rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp. Dẫu vậy, chất lượng tín dụng luôn cần được kiểm soát.