Giảm thuế GTGT 2%, tuy nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ bị giảm tầm 24.000 tỷ, nhưng có nhiều lợi ích khi chính sách này đi vào cuộc sống.
Thẳng thắn mà nói, dịch COVID-19 với các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội, cách ly bây giờ đã ngấm sâu, cộng thêm sự ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế của thị trường Mỹ - Châu Âu khiến sức mua, sức tiêu thụ giảm hẳn, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Việt Nam.
Các chỉ số lạc quan về tăng trưởng chỉ thấy trên ti vi, còn thực tế doanh nghiệp điêu đứng, người lao động mất việc, cửa hàng, cửa hiệu trả lại mặt bằng, các con phố ăn chơi mua sắm sầm uất nay vắng hẳn. Ngân hàng thì phát mại vô số tài sản cầm cố, nhỏ là ô tô, lớn nhà cửa, nhà hàng, khách sạn…, dân làm ăn gặp nhau phần lớn là chào nhau bằng nụ cười héo hắt và những lời than.
Đội hình quen biết từng làm mưa làm gió thời bất động sản sôi động thì lặng lẽ cắt hết nhân sự, đóng cửa văn phòng, trả mặt bằng, xoay xở khắp nơi để trả nợ và khất nợ. Tình trạng này bắt đầu từ bằng dịp này năm trước kéo dài cho đến thời điểm hiện tại thì thực sự “ngấm đòn”.
Việc điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thực sự là tin mừng cho doanh nghiệp. Cho dù hiệu lực của chính sách này chỉ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 21/12/2023, nhưng đã thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người dân. Giảm thuế GTGT 2%, tuy nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ bị giảm tầm 24.000 tỷ, nhưng có nhiều lợi ích khi chính sách này đi vào cuộc sống.
Giá cả hàng hoá sẽ giảm xuống, người dân sẽ mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ nhiều hơn, đa dạng hơn, thúc đẩy sức tiêu thụ, kích thích doanh nghiệp sản xuất tăng cường sản lượng. Thay vì co cụm phòng thủ chỉ chi tiêu cho các chi phí tối thiểu nhằm đảm bảo duy trì cuộc sống sinh hoạt, thì chuỗi cung ứng tiêu thụ như từng toa tàu liên kết kéo nhau lên dốc. Chi phí thuế giảm kéo theo chi phí nguyên liệu đầu vào rẻ, gánh nặng cho doanh nghiệp được san sẻ. Nhà nước sẽ thu thuế dùng số lượng bù chất lượng, tuy giảm 2% nhưng nếu các ngành cùng tăng trưởng thì tổng số thuế thu được sẽ tăng lên bù đắp lại khoảng thiếu hụt do giảm thuế.
Doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất sẽ phát sinh nhu cầu lao động, giải quyết công ăn việc làm cho lao động dôi dư, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tệ nạn phát sinh. Có thể thấy rõ nguy cơ “bần cùng sinh đạo tặc” khi thời gian quan số vụ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, đặc biệt lừa đảo qua mạng Internet, lừa đảo công nghệ cao có xu hướng gia tăng.
Có điều, chính sách tốt và hay này áp dụng khá chậm khi nền kinh tế có dấu hiệu lún sâu nên số thuế giảm này liệu có hiệu quả nhanh, mạnh, tức thời như kỳ vọng hay không cần có thời gian để kiểm chứng. Tăng trưởng kinh tế giảm từ hai quý cuối năm 2022 tiếp tục kéo sang quý I năm 2023, đến tháng 7 là vào quý III mới áp dụng thì khó tạo được cú hích mạnh mẽ tạo vòng xoáy tăng trưởng kinh tế mới.
Chính sách của nghị định này không phải giảm thuế áp dụng cho tất cả các ngành nghề mà các ngành nghề: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất... với các phụ lục kèm theo nghị định sẽ không được hưởng ưu đãi giảm thuế này.
Bất động sản có lẽ là ngành gặp khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại, giao dịch đóng băng, giá thanh khoản tụt thấp, nợ nần chồng chất, nguy cơ không thể thanh toán được các khoản trái phiếu quá hạn, nguy cơ bán tháo tài sản, vỡ nợ cận kề.
Bất động sản đóng băng khiến các ngành nghề ăn theo như xây dựng, nội thất, thiết kế, trang trí… đóng băng theo, lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực này không biết đi đâu về đâu, loay hoay, xoay xở vật lộn với cuộc sống bằng đủ các công việc tạm bợ.
Giờ tạm gác lại sự trách cứ nhau: nào là để tăng trưởng bất động sản quá nóng, quá sốt, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu ba không: Không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán..., để xảy ra hiện tượng các nhà đầu tư phải chăng biển đi đòi tiền tại không ít trụ sở. Mà cùng tìm cách tháo gỡ như xem xét cho bất động sản vào nhóm ngành nghề được ưu đãi giảm 2% thuế GTGT.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự hỗ trợ động viên, khích lệ này có thể thành điểm tựa để doanh nghiệp bất động sản trụ vững, đi qua khó khăn tại thời điểm hiện tại. Cũng là biện pháp để thanh lọc tạo sự cạnh tranh cho thị trường bất động sản. Doanh nghiệp nào đứng vững được như cái cây vượt qua giông bão thì sẽ lớn và phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp nào lừa đảo, chiếm đoạt như cái cây yếu lại nhiều sâu bệnh thì phải gục ngã thì sẽ tự đào thải. Cần truy bắt những con sâu bệnh gây hại cho cây như những kẻ bất lương lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhân dân xử lý thật thích đáng làm gương cho kẻ khác.