Xã hội

Gian lận trong sử dụng thẻ BHYT bị phạt ít nhất 40 triệu đồng, người dân chú ý ngay!

Hải Châu 07/05/2025 - 11:01

Người dùng thẻ BHYT giả, thẻ của người khác đi khám chữa bệnh có thể bị phạt ít nhất 40 triệu đồng.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 10. Trong đó, các quy định tại Điều 214, 215 và 216 liên quan đến các tội gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục giữ nguyên mức phạt tù như hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền và nâng ngưỡng vi phạm làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gian lận trong sử dụng thẻ BHYT bị phạt ít nhất 40 triệu đồng, người dân chú ý ngay! - ảnh 1
Dùng thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh có thể bị phạt ít nhất 40 triệu đồng. Ảnh: VGP

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 214 quy định về tội “Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, dự thảo đề xuất nâng mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự lên chiếm đoạt từ 20 triệu đồng (thay vì 10 triệu đồng như hiện nay) hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng (so với mức hiện tại là 20 triệu đồng).

Các hành vi vi phạm bao gồm lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ nhằm lừa dối cơ quan BHXH để được hưởng chế độ. Mức phạt tiền đối với hành vi này cũng được nâng lên tối thiểu 40 triệu đồng, gấp đôi so với mức hiện hành là 20 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu người phạm tội có tổ chức, hành vi mang tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 400 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 400 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. So với quy định hiện hành, mức phạt tiền cho những hành vi này hiện chỉ ở mức từ 100 đến 200 triệu đồng.

Gian lận trong sử dụng thẻ BHYT bị phạt ít nhất 40 triệu đồng, người dân chú ý ngay! - ảnh 2
Mức phạt tiền đối với hành vi gian lận được nâng lên tối thiểu 40 triệu đồng, gấp đôi so với mức hiện hành là 20 triệu đồng. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tại khoản 1 Điều 215, dự thảo đề xuất nâng mức tiền tối thiểu để xử lý hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tiền BHYT lên 20 triệu đồng và mức thiệt hại tối thiểu là 40 triệu đồng.

So với quy định hiện hành, các ngưỡng này đã tăng gấp đôi, từ 10 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt và 20 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng, thay vì 20 triệu như trước, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Các hành vi vi phạm trong trường hợp này bao gồm lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ được cấp khống, thẻ giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ của người khác để hưởng BHYT trái quy định.

Chuyên gia pháp luật cho biết, người dân không nên cho người khác mượn thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, cũng như không sử dụng thẻ BHYT của người khác để đi khám, chữa bệnh, vì hành vi này không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù.

>> Cập nhật ngay thông tin này trên VssID nếu không muốn mất quyền lợi: Người dân lưu ý!

Đề xuất rút ngắn thời gian chờ sử dụng thẻ BHYT xuống dưới 30 ngày

Bệnh viện, cơ sở y tế không được yêu cầu người bệnh xuất trình thẻ BHYT giấy

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/gian-lan-trong-su-dung-the-bhyt-bi-phat-it-nhat-40-trieu-dong-nguoi-dan-chu-y-ngay-141845.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gian lận trong sử dụng thẻ BHYT bị phạt ít nhất 40 triệu đồng, người dân chú ý ngay!
    POWERED BY ONECMS & INTECH