Giá cả

Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tăng trưởng 10% trong quý I

baochinhphu.vn 05/04/2024 - 09:11

Trong quý I/2024, khối lượng giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng trưởng 10% so với quý IV/2023 và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tăng trưởng 10% trong quý I- Ảnh 1.

Top 5 thị phần có sự xáo trộn

Theo số liệu từ MXV, trong quý I, CTCP Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thị phần môi giới giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, chiếm 25,8% toàn thị trường. Đây là kết quả xứng đáng đối với thành viên có hệ thống văn phòng, chi nhánh lớn nhất cả nước. Gia Cát Lợi hiện cũng có số lượng tài khoản giao dịch lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng số lượng tài khoản toàn thị trường.

Đứng ở vị trí thứ 2, CTCP Giao dịch hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) đang chiếm lĩnh 20% thị phần môi giới. Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) xếp ở vị trí thứ 3 với 15,3% thị phần.

Tiếp tục gây bất ngờ với bảng xếp hạng quý này là CTCP Hitech Finance. Sau sự phát triển mạnh mẽ từ giữa năm 2023 và lọt vào Top 5 thị phần lớn nhất cả năm 2023, Hitech Finance hiện đã vươn lên vị trí thứ 4, nắm giữ 9,9% thị phần môi giới hàng hóa trong quý I.

Ở vị trí thứ 5, CTCP Saigon Futures hiện chiếm 9,2% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.

Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tăng trưởng 10% trong quý I- Ảnh 2.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Với dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong phần còn lại của năm 2024, cuộc đua vào Top 5 sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Ngay cả những thành viên có thời gian hoạt động lâu năm, quy mô lớn, vẫn có thể bị soán ngôi bởi các thành viên mới nhưng hoạt động bài bản, hiệu quả và đón đầu được các xu hướng của thị trường”.

Xếp ngay sau Top 5, CTCP Giao dịch hàng hóa Đông Nam Á và CTCP Giao dịch hàng hóa Quốc tế MXL đang sẵn sàng tạo ra những thay đổi cho cuộc đua thị phần trong quý II.

Giao dịch đậu tương tăng trưởng mạnh

Trong 3 tháng đầu năm, hợp đồng dầu thô WTI liên thông với Sở NYMEX vẫn là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 17,4% tổng khối lượng giao dịch tại MXV. Xếp thứ 2 là dầu thô WTI micro, chiếm 12,4%.

Đây là kết quả không bất ngờ với thị trường, khi giá dầu thô đã tăng hơn 16% trong quý I và vẫn là mặt hàng có thanh khoản lớn nhất trên thế giới. Mặt hàng này phù hợp với cả các nhà đầu tư giao dịch lướt sóng ngắn hạn và những nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ vị thế trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường trong thời gian gần đây lại là mặt hàng đậu tương đang liên thông với Sở Chicago, đứng thứ 3 với tỷ trọng 11,9%. Nếu chỉ tính riêng tháng 3/2024, đậu tương là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại MXV. Các mặt hàng liên quan khác như khô đậu tương, dầu đậu tương cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng giao dịch ấn tượng trong giai đoạn đầu năm 2024.

Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tăng trưởng 10% trong quý I- Ảnh 3.

Hiện nay, Việt Nam là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn đậu tương trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Đậu tương là nguyên liệu đầu vào rất khó thay thế trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một trong những ngành sản xuất thiết yếu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

“Các chuyên gia dự báo nhập khẩu đậu tương của Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn từ 3-5% mỗi năm. Chính vì thế, nhu cầu bảo hiểm giá của các doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư đối với mặt hàng này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Giá hàng hoá nguyên liệu liên tục lập đỉnh

Thị trường giao dịch hàng hóa trên đà tăng trưởng

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/giao-dich-hang-hoa-lien-thong-voi-the-gioi-tang-truong-10-trong-quy-i-10224040508554175.htm
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tăng trưởng 10% trong quý I
    POWERED BY ONECMS & INTECH