USD lao dốc không tưởng, giới đầu tư thận trọng 'quay lưng': Chuyện gì xảy ra?
Theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ phòng hộ, nhà quản lý tài sản và giới đầu cơ vẫn tiếp tục đặt cược vào xu hướng giảm giá của đồng USD.
Đồng USD giảm
Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2023 trong phiên giao dịch ngày 23/5, khi những đe dọa áp thuế mới từ Tổng thống Donald Trump cùng lo ngại về thâm hụt ngân sách ngày càng lớn đang làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Đây cũng là phiên giảm thứ tư trong năm ngày gần nhất, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với Liên minh châu Âu và hãng Apple, làm dấy lên mối lo về tác động tiêu cực của chính sách thương mại đối với nền kinh tế số một thế giới.
Trong khi đó, theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ phòng hộ, nhà quản lý tài sản và giới đầu cơ vẫn tiếp tục đặt cược vào xu hướng giảm giá của đồng USD.
“Một đợt tăng thuế mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu lại một lần nữa làm dấy lên nguy cơ suy thoái tại Mỹ, đi kèm với sự bất ổn trong chính sách và kinh tế”, ông Aroop Chatterjee, chiến lược gia tại ngân hàng Wells Fargo ở New York, nhận định.
Đà suy yếu của đồng USD đã tạo điều kiện cho các đồng tiền thuộc nhóm G10 tăng giá. Trong phiên 23/5, có tới 7 đồng tiền trong nhóm này tăng hơn 1% so với USD, trong đó đồng đô la New Zealand và đô la Úc dẫn đầu đà tăng. Đồng đô la Canada cũng vươn lên mức 1,3709 CAD đổi 1 USD – cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Đà giảm tiếp diễn bất chấp tuyên bố từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng Washington có thể ký kết nhiều thỏa thuận thương mại lớn trong vài tuần tới. Ông Bessent cũng cho rằng không thể khẳng định đồng USD đang yếu mà nguyên nhân của các biến động gần đây chủ yếu đến từ việc các đồng tiền khác tăng giá.
Tuy vậy, một số nhà giao dịch cho rằng các bình luận của ông Bessent không giúp ích cho USD, thậm chí còn làm gia tăng đồn đoán rằng chính quyền Mỹ đang theo đuổi chính sách đồng USD yếu.

“Những phát biểu của ông Bessent sáng nay có thể khiến thị trường nghi ngờ rằng chính quyền hiện tại đang ngầm ủng hộ xu hướng giảm giá của USD”, bà Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex, bình luận.
Nỗi lo mang tên “Đồng bạc xanh”
Sự quan tâm của giới đầu tư đối với đồng USD – đồng tiền dự trữ toàn cầu – đã giảm trong năm nay. Theo số liệu từ CFTC, các nhà đầu cơ vẫn đang đặt cược vào khả năng USD tiếp tục giảm giá, với tổng giá trị các hợp đồng bán ròng lên tới 12,4 tỷ USD tính đến ngày 20/5, dù con số này đã giảm so với mức 16,5 tỷ USD vào tuần trước đó.
Một phần lo ngại đến từ việc Thượng viện Mỹ đang xem xét dự luật thuế của ông Trump, trong đó bao gồm cả việc nâng trần nợ công – yếu tố then chốt để Bộ Tài chính tránh kịch bản vỡ nợ có thể xảy ra ngay trong tháng 8 hoặc 9 tới. Phiên bản dự luật đã được Hạ viện thông qua dự kiến sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
“Những lo ngại xung quanh ngân sách Liên bang cho thấy thị trường đang xem xét lại giả thuyết ‘sự vượt trội của Mỹ’. Từ ngân sách, lạm phát đến tăng trưởng – giới đầu tư ngày càng thận trọng hơn với tài sản Mỹ, và điều đó tiếp tục tạo sức ép lên đồng USD”, bà Jane Foley, chiến lược gia tại ngân hàng Rabobank (London), nhận định.
Tỷ phú Lý Gia Thành mắc kẹt giữa hai siêu cường, giới đầu tư Hồng Kông 'ngồi trên đống lửa'
Lộ diện 'hầm trú ẩn' mới của giới đầu tư trước bão thuế toàn cầu?