Mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc, thế nhưng, “làn sóng” rời khỏi thị trường của doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn, theo chuyên gia, để giữ chân doanh nghiệp cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng…
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509,9 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi, ở chiều ngược lại, trong tháng 6/2023, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về số doanh nghiệp gia nhập vào thị trường, thế nhưng, nguy cơ tiềm ẩn một “làn sóng” rút khỏi thị trường vẫn có thể hiện hữu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, để giữ chân doanh nghiệp ở lại thị trường, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng.
Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tình trạng hơn 100.000 doanh nghiệp rời thị trường trong nửa đầu năm nay sẽ để lại hệ quả lâu dài chứ không chỉ là hệ quả trước mắt hiện nay mà chúng ta đang nhìn thấy. Để ngăn chặn lượng doanh nghiệp rời thị trường và hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế,… yêu cầu rất cấp bách hiện nay là chính sách cần tiếp tục giảm lãi suất và cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì doanh nghiệp rất cần tiếp tục hạ lãi suất nữa, vì lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với năng lực hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp”, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng đề xuất, các gói hỗ trợ của Nhà nước cần đốc thúc chính quyền các cấp triển khai cấp ngay cho doanh nghiệp lẫn người lao động được thụ hưởng.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Vì vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh hơn nữa bởi họ đang ở tình thế rất căng thẳng. Lúc doanh nghiệp khó khăn, thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần hỗ trợ mạnh hơn, hỗ trợ doanh nghiệp là nuôi dưỡng “nguồn thu, là tương lai của đất nước”.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, thế giới có thể có hai xu thế: một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là “chậm chân” nên phải tính trước các “bài” để ứng phó. Vì vậy, đây là thời kỳ Chính phủ phải tăng thêm nguồn lực doanh nghiệp.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, cần phải chủ động các chính sách hỗ trợ, thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa.
“Chúng ta thấy, hiện nay ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng tôi nghĩ rằng, việc chúng ta dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả. Nếu chúng ta tăng được phần hỗ trợ lãi suất thì sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp”, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Được biết, tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam ngày 6/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hạ lãi suất ‘chìa khóa’ mua nhà hay chỉ ‘liều thuốc giảm đau’ khi giá nhà vẫn cao?
Tin vui: Dự án kinh tế quy mô lớn tại TP. HCM sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, tối đa 200 tỷ đồng