Chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp tư nhân cần rõ ràng
Đại biểu Quốc hội đề xuất chính sách hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân phải rất rõ ràng, phải làm rõ cơ chế hỗ trợ từ ngân sách ở đâu để ngân hàng thương mại có thể giải ngân.
Tại phiên thảo luận sáng 16/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, nhiều đại biểu đã đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy khu vực này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng bình quân mỗi năm hiện nay chúng ta chỉ tăng khoảng 30.000 đến 40.000 doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, cần có các giải pháp đặc biệt.
Đại biểu Ngân đề xuất phải có chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang loại hình doanh nghiệp; đồng thời nâng cao, mở rộng thêm lượng doanh nghiệp có quy mô lớn.
Tương tự, Điều 5 dự thảo quy định về phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân, cũng như giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự. Đây là điều các doanh nhân rất quan tâm.

Liên quan đến Chương III, ông Ngân đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các địa phương có tiềm năng đất đai cần tạo điều kiện thành lập hoặc mở rộng khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuê với giá ưu đãi.
“Điều này rất quan trọng vì ở thời điểm hiện nay, mục tiêu của chúng ta là trở thành nước phát triển có thu nhập cao nhưng phải độc lập, tự chủ về kinh tế. Muốn độc lập, tự chủ thì khu vực kinh tế tư nhân phải lớn mạnh, phải có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được tín dụng, đất đai. Do đó, cần có một điều khoản để khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực tư nhân”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Cũng theo ông Ngân, chính sách hỗ trợ về lãi suất phải rất rõ ràng, bởi thời gian qua, có nhiều chính sách ban hành nhưng không hiệu quả. Cần làm rõ cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để ngân hàng thương mại có cơ sở giải ngân cho doanh nghiệp vay.
Về việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ dẫn chứng, thanh niên muốn vay hỗ trợ khởi nghiệp 2 tỷ đồng từ ngân hàng, nhưng chính sách quy định phải tạo việc làm cho 20 lao động. Đây là quy định rất khó thực thi.
Ông Hạ cũng nêu ý kiến về việc lựa chọn nhà thầu, dự thảo quy định đối với dự án dưới 20 tỷ thì ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp này bao gồm cả các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 300 tỷ đồng và dưới 200 lao động.
“Với những doanh nghiệp đạt doanh thu 300 tỷ đồng mỗi năm, giá trị một gói thầu 20 tỷ là không thực sự đáng kể. Do đó, khoản hỗ trợ này nên ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì phù hợp và hiệu quả hơn”, ông Hạ nêu quan điểm.

Đại biểu Hạ cũng đề xuất về sự ổn định của chính sách. “Doanh nghiệp mới khởi nghiệp gặp khó khăn về mọi điều kiện nhưng chính sách lại không ổn định, liên tục thay đổi. Chính sách phải 5 năm, 10 năm, 15 năm thậm chí dài hơn thì khởi nghiệp mới thành công được. Bây giờ vừa đầu tư nguồn lực thì chính sách lại thay đổi coi như lại quay về điểm xuất phát thì rất khó”, ông nói.
Đồng tình với đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng Nghị quyết cần khuyến khích các tổ chức tài chính tín dụng cho vay trên cơ sở thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra; cho vay dựa trên dữ liệu dòng tiền, chuỗi giá trị và xem xét các tài sản đảm bảo...
Hình thức cho vay có thể là tín chấp hoặc khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân trong việc triển khai các dự án xanh, dự án tuần hoàn và áp dụng các khung tiêu chuẩn về môi trường và quản trị.
“Các nội dung này, nếu được thể chế hóa, sẽ giúp tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý rõ ràng để đơn giản hóa quy trình thẩm định, thực hiện ưu đãi lãi suất và mở rộng cung ứng vốn cho khu vực kinh tế tư nhân”, Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho hay.
>> Kỳ vọng động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân