Giá đang ở ngưỡng cao kỷ lục, song loại hạt thế mạnh của Việt Nam có tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm mạnh trong xuất khẩu. Sản lượng trong niên vụ tới dự báo giảm khoảng 3,5 triệu bao so với ước tính trước đó.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt đạt 80 nghìn tấn, thu về 252 triệu USD, giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về giá trị so với tháng 11/2022.
Tháng 10 trước đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp kỷ lục khi chỉ đạt 43.720 tấn, giá trị khoảng 157,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 48,8% về lượng và 28% về giá trị.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, giá trị 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tháng 11/2023 đạt mức cao 3.148 USD/tấn, tăng 32,8% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm nay, giá xuất khẩu bình quân loại hạt này của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh, tháng 10 còn lập kỷ lục khi xuất khẩu với giá 3.603 USD/tấn. Song, doanh nghiệp đã vét sạch kho hàng, lượng hàng gối vụ của nước ta còn không đáng kể để xuất khẩu. Thế nên, trong hai tháng liên tiếp, lượng cà phê “chạm đáy”.
Hiện, cà phê ở Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch, giá thu mua tiến sát mốc 60.000 đồng/kg. Mức giá này giúp nhà vườn trồng cà phê thu lãi lớn.
Các đại lý kinh doanh cà phê cho biết, thời tiết đang thuận lợi hơn cho hoạt động thu hoạch cà phê vụ mới. Tuy nhiên, tốc độ thu hoạch có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay cũng như trả các đơn hàng cũ bị trì hoãn trước đó.
Giá cà phê Robusta (loại cà phê được trồng phổ biến ở nước ta) được dự báo sẽ tăng vì nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng dịp cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, nguồn cung cà phê Robusta cho thị trường tiêu thụ toàn cầu từ các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á có khả năng giảm. Điều này đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường kỳ hạn tăng mua, song khối lượng chưa nhiều do sự thận trọng về lãi suất tiền tệ.
Tại Việt Nam, FAS ước tính sản lượng niên vụ 2023-2024 sẽ giảm xuống 27,8 triệu bao từ ước tính 31,3 triệu bao hồi tháng 5/2023 do thời tiết không thuận lợi. Tồn kho gối vụ ước giảm xuống chỉ còn 390.000 bao thay vì 2,76 triệu bao như ước tính trước đó.
FAS cũng dự báo tổng sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 18,14% so với niên vụ cà phê 2022-2023, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết, có thời điểm giá cà phê tăng lên gần 70.000 đồng/kg, dự báo vụ tới có thể tăng hơn nữa vì nguồn cung đang thiếu.
Giá cà phê càng tăng cao nếu người nông dân chú trọng đến chất lượng hạt cà phê nguyên liệu. Để hạt cà phê có chất lượng cà phê tốt nhất, cà phê phải được hái khi đã chín. Khi trái cà phê chín, trọng lượng sẽ tăng 10%. Điều này vừa giúp tăng sản lượng cà phê, vừa nâng chất lượng cà phê trong quá trình chế biến, ông Nam nhấn mạnh.
Giá cà phê hôm nay 18/1/2025: 2 sàn đồng loạt tăng, Robusta thêm cả trăm USD/tấn
Giá cà phê hôm nay 17/1/2025: cà phê Việt nhiều cơ hội khi Arabica đang cao