Hệ thống KRX là tiền đề giúp Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu nâng hạng thành công, ước tính sẽ thu hút 10 tỷ USD dòng vốn ngoại.
Theo kế hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện công tác chuẩn bị hệ thống và sẵn sàng triển khai hệ thống KRX vào ngày 25/12. Trong ngày 22/12-24/12, các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) các chức năng nghiệp vụ của hệ thống để đảm bảo quá trình hoạt động giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường.
Nhận định của Chứng khoán KBSV, việc hệ thống giao dịch KRX được chính thức đưa vào hoạt động được xem là tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cũng như cho phép thực hiện nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T0).
Cụ thể, hệ thống KRX là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm, Central Clearing Counterparty (CCP) và từ đó, giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc lên hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding).
Việc nâng hạng thị trường giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong đó, tác động sớm nhất và rõ nét nhất đó là việc mua vào của các quỹ ETF đang sử dụng bộ chỉ số MSCI Emerging Markets Index và FTSE EM làm tham chiếu.
Buổi làm việc giữa UBCKNN và đại diện FTSE Russell nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng TTCK của Việt Nam ngày 16/10 |
Một số nghiên cứu ước tính, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD. Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý việc CCP hoạt động sẽ chỉ giải quyết một trong những nút thắt, còn yếu tố liên quan đến rào cản với nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thêm các động thái mạnh mẽ hơn từ cơ quan điều hành.
Theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD.
Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD.
VinaCapital ước tính trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7-1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK Việt Nam có thể đạt 5-8 tỷ USD.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu Việt Nam nâng hạng thị trường thành công, có thể đón nhận khoảng 7,2 tỷ USD dòng vốn đầu tư mỗi năm vào thị trường.
>> Nhận định chứng khoán tuần cuối năm 2023: Nhà đầu tư chưa chắc được nhận 'quà Noel'
IPAAM đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ tại IPA
Gia đình ông Phạm Nhật Vượng mua thêm 1,6 triệu cổ phiếu Vingroup (VIC)