Ngày 17/7, Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, đã tổ chức hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam”.
Thị trường phát triển thấp so với tiềm năng do bị "bó chân"
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính (CTTC) cho biết, tiềm năng phát triển ngành CTTC tại Việt Nam rất lớn, với một nền kinh tế năng động, hơn 800.000 DN, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… nên nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn, rất cao.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường CTTC ở Việt Nam chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại; số lượng công ty CTTC còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp; DN và người dân biết đến kênh CTTC chưa nhiều…
Ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng, Nhóm tư vấn các định chế tài chính khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IFC đánh giá quy mô thị trường CTTC Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ở châu Âu, gần 40% DN vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ CTTC.
Công ty CTTC thực chất chính là tổ chức cho vay không nhận tiền gửi (NDTL), cần được quản lý và thúc đẩy phát triển khác với các định chế tài chính nhận tiền gửi là các ngân hàng hiện nay.
Theo chuyên gia của IFC, Việt Nam cần có luật cụ thể và tư duy rõ ràng cho sự phát triển của ngành CTTC, nếu gộp chung một luật thì cần tách bạch rõ yêu cầu quản lý và giám sát đối với các NDTL.
Khung pháp lý phải rõ ràng hơn để DN hết thân phận "con nuôi"
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần một tư duy mới hoàn toàn, một cách tiếp cận khác biệt. Tại các thị trường phát triển, CTTC là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn rất ưu việt cho các DN và hộ dân, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ.
Khi đi thuê tài chính, các DN, hộ dân không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Bên cạnh đó, một số công ty CTTC còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính… Hiện nay, trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, câu chuyện dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đang là vấn đề khó khăn đối với cả ngân hàng và DN. Việc phát triển lĩnh vực CTTC sẽ tạo bệ đỡ quan trọng cung cấp nguồn vốn dài hạn cần thiết cho DN, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, dư nợ CTTC của Việt Nam chỉ tương đương công ty tài chính tiêu dùng cỡ trung bình ở nước ngoài, chiếm 0,33% tổng dư nợ, còn so với GDP chiếm 0,42%. Nếu so với Mỹ (22% GDP), Trung Quốc (10% GDP)... con số trên của Việt Nam là quá thấp trong khi đất nước có 800.000 DN vừa và nhỏ với nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn.
Vị chuyên gia này thẳng thắn cho rằng, lý do hạn chế quan trọng nhất là quan điểm nhận thức. Không giống như các ngân hàng, các công ty CTTC, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn bị coi là "con nuôi", "có thì tốt không có cũng không sao". Vì lý do đó, chúng ta rất chậm trong việc sửa khung pháp lý. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế, phí, kế toán không có gì để thúc đẩy phát triển.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần coi đây như kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế song song với các ngân hàng thương mại. Cần đặt mục tiêu cố gắng nâng từ 0,33% lên khoảng 5% tổng dư nợ như trung bình của thế giới trong giai đoạn 2025-2030...
Về huy động vốn, cần mở rộng hơn cho các công ty tài chính, cho họ đi vay các tổ chức tín dụng khác. Cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, phí... cần rõ ràng hơn.
Vấn đề phát hành trái phiếu cũng quan trọng, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, bản thân công ty CTTC cũng phải phấn đấu công khai minh bạch hơn, phát hành trái phiếu DN như các tổ chức tín dụng (công ty CTTC cũng như công ty tài chính không được nhận tiền gửi cá nhân như ngân hàng).
"Việc làm luật riêng lúc này khó thì tốt nhất là sửa nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng. Luật này đang lấy ý kiến, nhưng các nội dung liên quan đến CTTC hiện chưa có, các nội dung sửa đổi trong dự thảo cho đến nay không có mấy cải cách (dự kiến luật này sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào tháng vào 10/2023)", TS. Cấn Văn Lực góp ý.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội CTTC Việt Nam, thực tế lĩnh vực CTTC những năm qua chỉ có 10 công ty nhưng đã đạt kết quả đáng khích lệ, trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn rất nhiều ưu điểm cho các DN và hộ kinh doanh. Tổng tài sản của các công ty CTTC hội viên đạt trên 40.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho thuê đạt gần 33.000 tỷ đồng, nếu tính toán cả các công ty CTTC có mặt trên thị trường thì dư nợ cho thuê đạt khoảng gần 40.000 tỷ, bằng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe khẳng định sẽ tổng hợp đủ các kiến nghị, trong đó, mấu chốt để phát triển CTTC ở Việt Nam là cần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như chính sách về thuế, phí đối với hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này.
"Chúng tôi chỉ cần bình đẳng như các DN khác, cần có quan điểm "mở" về mặt làm luật, đừng lo rủi ro, vì chúng tôi phải lo bản thân chúng tôi trước, phải làm hết sức bài bản. Trước mắt, Hiệp hội CTTC và các công ty sẽ nỗ lực góp ý sửa các điều khoản Luật Các Tổ chức tín dụng và mong cơ quan soạn thảo tiếp thu, bảo đảm có độ bao phủ tốt hơn", ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.
Bị phạt và truy thu hơn 7 tỷ đồng, chủ chuỗi TokyoLife làm ăn thế nào?
Sacombank (STB) tăng gấp đôi vốn điều lệ cho một công ty con