Ở chu kỳ lên của ngành, việc lựa chọn đầu tư là khá dễ dàng. Tuy nhiên khi mà nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, không thể đảm bảo câu chuyện rằng nhà đầu tư tiếp tục "nương sóng" sẽ có thể hái được quả ngọt.
Tuần giao dịch từ 21 - 25/3/2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán vẫn đóng vai trò là lực cản khiến VN-Index chưa thể lấy lại ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 điểm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dệt may nổi sóng với đà tăng mạnh cả về giá và thanh khoản.
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tạo sức hút mạnh mẽ, Nhiều nhà đầu tư đã còn ví von rằng cổ phiếu bank tăng một tháng không bằng bất động sản bứt phá trong một phiên.
Ở chu kỳ lên của ngành, việc lựa chọn đầu tư khá dễ dàng vì hầu hết các doanh nghiệp ngành đều được hưởng lợi.
Bày tỏ góc nhìn về việc đầu tư cổ phiếu theo sóng ngành ở thời điểm hiện tại cũng như những lưu ý cần thiết cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB cho biết, một số nhóm cổ phiếu như cảng biển, phân bón, hóa chất, thép, dầu khí, thủy sản,... đã tăng tích cực trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh; nhiều cổ phiếu dù mức độ hưởng lợi không đáng kể nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng khá mạnh. Cả 2 yếu tố này khá giống với sóng bất động sản trước đây. Chính vì thế, nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới CTCK TP. HCM (HSC) phân tích, với nhóm ngành ngân hàng, áp lực cung rất nhiều, tiền yếu hiện tại không cân nổi vùng giá cao khi tăng giá. Vấn đề nợ xấu và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Rõ ràng khó có sóng ngành mà chỉ tập trung ở nhóm các cổ phiếu có câu chuyện riêng.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại - đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, hưởng lợi rõ ràng từ các gói kích thích kinh tế. Sóng bất động sản dù biến động nhưng vẫn có thể kéo dài. Trong "thị trường mùa hè", sự phân hóa này có thể vẫn tiếp diễn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng khuyến nghị, thời điểm hiện tại dù không phải thời điểm vàng nhưng có thể mua dần ở những phiên điều chỉnh và không nên dùng margin hay chơi tất tay. Xu hướng những nhóm này trong ngắn và trung hạn vẫn nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ khiến những nhóm trên được hưởng lợi.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam cho rằng, cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới. Tương tự, dòng tiền cũng chảy khá tích cực vào bất động sản do được hưởng lợi bởi đầu tư công.
Hiện tại, nhóm ngân hàng đang ở vùng giá rất thấp nên việc nhiều cổ phiếu có thể tăng 15% trong vòng 1 tháng tới là vẫn khả quan. Bên cạnh định giá hấp dẫn, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng tư nhân có thể duy trì đà tăng tưởng tích cực, chia cổ tức cao và kế hoạch M&A hấp dẫn.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung hàng hoá trên toàn cầu, đặc biệt là dầu khí, lương thực hay thép; đây là những hàng hoá mà các quốc gia này xuất khẩu nhiều. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng này còn rất lớn dẫn tới giá hàng hoá leo thang.
Ông Khoa cho rằng, các doanh nghiệp trên vẫn sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi diễn biến của cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Ngoài ra, Việt Nam – với yếu tố địa chính trị ổn định cùng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên lưu ý các ngưỡng hỗ trợ của cổ phiếu để giải ngân nhằm tránh rủi ro đu đỉnh – khi giá của những cổ phiếu này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn vừa qua.
VN-Index vượt 1.230 điểm, một doanh nghiệp bị bán 40% vốn
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm