Tính đến 31/12/2022 Hòa Phát còn dư vay nợ tài chính ngắn và dài hạn 57.900 tỷ đồng. Tài sản thế chấp chủ yếu là hàng tồn kho, tài sản cố định và các khoản tiền gửi.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được kiểm toán. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp sắt thép này có nhiều điểm đáng chú ý liên quan đến các khoản vay và tài sản thế chấp.
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 1.200 tỷ đồng
Báo cáo ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho đến 31/12/2022 của Hòa phát còn gần 34.500 tỷ đồng, giảm hơn 7.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó đã có khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.236 tỷ đồng (tăng dự phòng thêm 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Giá trị hàng tồn kho chủ yếu tập trung vào tồn kho nguyên vật liệu và tồn kho thành phẩm.
Trong số hàng tồn kho của Hòa Phát, có hơn 16.400 tỷ đồng giá trị tồn kho nguyên vật liệu, giảm 3.530 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Dù giá trị tồn kho nguyên liệu giảm, nhưng công ty vẫn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 368 tỷ đồng (tăng 247 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Giá trị tồn kho thành phẩm hơn 10.200 tỷ đồng, tăng khoảng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vậy Hòa Phát đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho số tồn kho này 780 tỷ đồng, chiếm 7,6% giá trị hàng thành phẩm tồn kho.
Giai đoạn cuối 2020 và 2021 khi giá thép bị đẩy lên cao, nguồn cung đứt gãy khiến các doanh nghiệp ngành thép trong nước cũng bị cuốn theo. Rất nhiều doanh nghiệp lãi lớn. Nhưng đồng thời hệ qủa là giá trị hàng tồn kho gia tăng ở mức giá bình quân cao. Năm 2022 lại có rất nhiều sự kiện ảnh hưởng đến ngành bất động sản nói chung và nhóm ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm ngành sắt thép nói riêng khiến giá sụt giảm, hệ quả là khối hàng tồn kho giá cao trước đó buộc doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá.
Báo cáo ngành thép & tôn mạ của Chứng khoán Mirae Asset cho biết quý 4/2022 sản lượng thép và tôn mạ toàn ngành tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh thị trường bất động sản trì trệ, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 5,5 triệu tấn, giảm 29,5% (theo Fiinpro). Tính đến hết năm 2022 sản lượng thép toàn ngành giảm 15,8% về mức 25,96 triệu tấn. Còn theo báo cáo của VARS, năm 2022 lượng cung căn hộ thương mại ra thị trường chỉ đạt 48.500 căn, giảm 10% so với cùng kỳ.
Mirae Asset cũng dự phóng tình hình thị trường bất động sản năm 2023 vẫn đối mặt nhiều khó khăn sẽ kéo theo nhu cầu thép khó có sự tăng trưởng. Mirae Asset cũng cho rằng năm 2023 kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Đồng thời MAS dự phóng sản lượng thép nội địa trong năm 2023 giảm 10,5% về mức 17,89 triệu tấn trước khi phục hồi vào năm 2024. Không chỉ vậy, Mirae Asset cũng cho rằng yếu tố Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế cũng khó có khả năng kéo theo sự phục hồi của ngành thép trong năm 2023, nên dự phóng sản lượng thép toàn cầu cũng sẽ giảm khoảng 5% về mức 1,78 tỷ tấn. Sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam dự kiến giảm 16% về mức 5,07 triệu tấn trong năm 2023 và sẽ hồi phục vào 2024.
Hòa Phát dùng hàng tồn kho, tiền gửi, tài sản cố định để thế chấp ngân hàng
* Tổng nợ phải trả đến 31/12/2022 của Hòa Phát còn 74.222 tỷ đồng, giảm 13.233 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 46.748 tỷ đồng (tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay dài hạn 11.151 tỷ đồng (giảm 2.313 tỷ đồng so với đầu kỳ). Tổng vay nợ ngắn và dài hạn gần 57.900 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận trong hàng tồn kho tại ngày 31/12/2022 có 19.244 tỷ đồng hàng tồn kho được ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Hòa Phát đang có giá trị hàng tồn kho ghi sổ hơn 15.600 tỷ đồng được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.
* Tiền và tương đương tiền đến cuối 2022 còn 8.324 tỷ đồng, giảm 14.147 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó tiền gửi ngân hàng hơn 3.200 tỷ đồng (giảm 3.000 tỷ đồng) và các khoản tương đương tiền hơn 4.866 tỷ đồng.
Ngoài ra các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 26.268 tỷ đồng (tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Đây là khoản tiền gửi kỳ hạn không quá 12 tháng, lãi suất từ 2,95% đến 11,6%/năm. Hòa Phát đang dùng khoản này (tiền gửi kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không qúa 12 tháng), bao gồm cả 5,7 tỷ VND, để thế chấp làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng cho việc sử dụng hạn mức tín dụng của Tập đoàn.
* Tổng tài sản của Hòa Phát đến 31/12/2022 đạt 170.335 tỷ đồng, giảm khoảng 7.900 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó tổng tài sản ngắn hạn 80.515 tỷ đồng và tài sản dài hạn 89.820 tỷ đồng. Trong tài sản dài hạn, riêng tài sản cố định đã đạt 70.833 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định hữu hình 70.200 tỷ đồng và tài sản cố định vô hình 634 tỷ đồng.
Trong tổng giá trị tài sản cố định hữu hình còn lại đến 31/12/2022 là gần 70.200 tỷ đồng, hơn 40.073 tỷ đồng là tài sản liên quan máy móc và thiết bị; 2.509 tỷ đồng là giá trị liên quan phương tiện vận chuyển; 27.438 tỷ đồng giá trị liên quan nhà cửa. Báo cáo ghi nhận tại ngày 31/12/2022 Hòa Phát dùng tài sản cố định hữu hình có giá trị còn lại là 46.291 tỷ đồng (ngày 1/1/2022 là 47.698 tỷ đồng) để thế chấp tại ngân hàng nhằm đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.
Ngoài ra số tài sản cố định vô hình 634 tỷ đồng phân bổ vào giá trị quyền sử dụng đất 218 tỷ đồng; vào giá trị các phần mềm máy tính hơn 75 tỷ đồng và các tài sản khác 340 tỷ đồng. Khối tài sản cố định vô hình có giá trị còn lại là 47 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.
Giá trị Bất động sản đầu tư cho thuê của Hòa Phát còn lại đến cuối năm hơn 629 tỷ đồng, gồm quyền sử dụng đất và nhà xưởng cho thuê tại KCN Phố Nối A, KCN Hòa Mạc, Dự án Khu phức hợp Mandarin Garden 1, 2 và Khu chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh… Tại ngày 31/12/2022 bất động sản đầu tư có giá trị 7,6 tỷ đồng đang được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của công ty con.
Nếu tổng kết sơ bộ, Hòa Phát đng vay nợ ngắn và dài hạn tổng cộng khoảng 57.900 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ghi nhận đã dùng cả hàng tồn kho, giá trị tài sản cố định, giá trị bất động sản đầu tư, và cả khoản đầu tư tài chính để thế chấp tại ngân hàng đảm bảo cho các khoản vay:
Những “chủ nợ” của Hòa Phát là ai?
Trong số 46.748 tỷ đồng nợ ngắn hạn, có đến 39.100 tỷ đồng là tiền vay ngắn hạn và 7.645 tỷ đồng là vay dài hạn đến hạn trả. Số vay ngắn hạn được Hòa Phát cho biết có hơn 24.800 tỷ đồng là vay bằng VND và số còn lại là vay bằng USD (14.270 tỷ đồng).
Thông tin cũng cho biết khoản vay ngắn hạn bằng VND giá trị 19.282 tỷ đồng và bằng USD giá trị 5.470 tỷ đồng (tổng 24.752 tỷ đồng) được bảo đảm bằng số tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng (thuyết minh phía trên), phải thu ngắn hạn của khách hàng giá trị 553 tỷ đồng; hàng tồn kho; tài sản cố định vô hình; giá trị xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án thuộc Tập đoàn và tài sản hình thành trong tương lai ở một số dự án…. thậm chí cả cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT.
Các khoản vay ngắn hạn còn lại (khoảng 22.000 tỷ đồng) không có tài sản đảm bảo.
Tổng dư nợ vay dài hạn đến 31/12/2022 gần 18.800 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội với 5.200 tỷ đồng; chủ nợ lớn thứ 2 là Vietcombank chi nhánh Thành Công với 5.164 tỷ đồng; chủ nợ lớn thứ 3 là Ngân hàng TMCP HSBC Việt Nam với 3.482 tỷ đồng; chủ nợ lớn thứ 4 là Ngân hàng BNP Paribas với 1.460 tỷ đồng…
Hòa Phát báo lãi năm 2022 giảm sút 75% so với cùng kỳ
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Hòa Phát ghi nhận năm 2022 cả doanh thu và lợi nhuận giảm sút, đặc biệt là lợi nhuận. Lãi sau thuế năm 2022 của Hòa Phát bằng 1/4 cùng kỳ năm 2021 với 8.444 tỷ đồng.
Mirae Asset: Giá quặng sắt năm 2023 có thể tiếp tục giảm
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng nguồn cung quặng sắt năm 2023 dự kiến đa dạng hơn, 3 nhà xuất khẩu quạng sắt lơn của Thế giới là Tio Rio Tinto, Vale và FMG đều dự kiến tăng sản lượng thêm 1-2%, dẫn tới tổng lượng khai thác quặng sắt dự kiến của cả 3 công ty ước tính đạt 831 triệu tấn, nâng tổng nguồn cung quặng sắt 2023 lên khoảng 2.344 triệu tấn (tăng 2% so với 2022).
Nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu suy yếu, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng giá quặng sắt trung bình năm 2023 sẽ giảm khoảng 16% so với cùng kỳ và có thể giảm tiếp trong năm 2024.
Điều này khiến những doanh nghiệp ngành thép đang có lượng tồn kho lớn đối mặt khó khăn khi giá nguyên liệu nói chung giảm mạnh. Quý 4/2022 Hòa Phát đóng cửa 4 lò cao, trong đó có 2 lò cao ở Hải Dương và 2 lò cao ở Dung Quất do lượng hàng tồn kho cao trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2023, Hòa Phát dự kiến sẽ mở lại tối đa 3/4 lò cao tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì dự án mở rộng Dung Quất 2, dự kiến sẽ đi vào vận hành thử nghiệm từ năm 2024.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5.6 triệu tấn HRC/năm, đưa tổng công suất HRC hàng năm đạt 8.6 triệu tấn và năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát dự kiến hơn 14 triệu tấn (+65% sv năm 2022) từ năm 2025, lọt Top 30 Doanh nghiệp thép lớn nhất toàn cầu.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á