Theo một chỉ số của Goldman Sachs, các điều kiện tài chính toàn cầu đã đạt mức thắt chặt nhất kể từ tháng 5/2009; đây là một dấu hiệu có thể cho thấy, kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái.
Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, các điều kiện tài chính phản ánh sự sẵn có của nguồn vốn trong nền kinh tế và được các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ. Mức độ lỏng lẻo hay chặt chẽ của các điều kiện tài chính quyết định kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Goldman Sachs đã sử dụng các chỉ số như tỷ giá hối đoái, dao động vốn chủ sở hữu và chi phí đi vay để tổng hợp các chỉ số điều kiện tài chính được sử dụng nhiều nhất. Chỉ số này trước đây đã cho thấy mức thắt chặt 100 điểm cơ bản sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng 1% trong năm tới.
Chỉ số của Goldman đã tăng lên 100,92 điểm vào ngày 10/3 trong khi điều kiện tài chính tại các thị trường mới nổi đạt mức thắt chặt nhất kể từ tháng 12/2008 ở mức 102,47 điểm.
Các điều kiện tài chính của Nga đang được ghi nhận ở mức 128,83 điểm từ khoảng 98 vào đầu tháng 2, mức chặt chẽ nhất được ghi nhận trong dữ liệu từ năm 2007.
Việc thắt chặt điều kiện tài chính là một yếu tố không đáng mừng đối với một nền kinh tế thế giới vốn đã bị đe dọa bởi tác động của việc tăng giá hàng hóa và những trở ngại của chuỗi cung ứng.
Richard McGuire, chiến lược gia tại Rabobank cho rằng, các điều kiện tài chính sẽ được thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gây bất ngờ cho thị trường trong cuộc họp vào ngày 10/3 khi vạch ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong quý III/2022, mở đường cho việc tăng lãi suất. Do ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng nước này sẽ từ chối đưa ra các cam kết chắc chắn.
Cơ quan xếp hạng Moody's cho biết, các nhà nhập khẩu hàng hóa như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sức ép giá cả do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
“Các nước phải gồng mình trước sự phá hủy nhu cầu do các điều kiện tài chính bị thắt chặt, hoặc do biên lợi nhuận bị xói mòn, tăng trưởng thu nhập thực tế âm mà không có sự ủng hộ về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương”, chiến lược gia Richard McGuire cho biết.