VN-Index dù tăng song vẫn trong trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng". Chỉ số cũng đồng thời hụt mốc 955 điểm trong phiên cuối tuần.
15h00: Thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"
Những tưởng đà bán tháo sau 14h sẽ kéo VN-Index về tham chiếu nhưng không! Lực cầu bắt đáy tăng trở lại ở một vài mã lớn trong đó có KDH và MSN đã giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và kết phiên tăng 7,3 điểm lên mức 954,53 điểm.
Không may mắn như VN-Index cả HNX-Index và UPCoM-Index đều kết phiên trong sắc đỏ trong đó đáng tiếc nhất là việc UPCoM-Index hụt hơi cuối phiên chiều.
Cuối phiên, không còn mã ngân hàng nào trong rổ VN30 giảm điểm trong đó kém sắc nhất có VIB, VPB và TPB đứng giá.
Bất ngờ xảy ra khi cổ phiếu GVR bị bán sàn trong phiên ATC với lệnh bán 280.000 đơn vị. Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của mã này.
Cùng với GVR, các mã NVL và PDR kết phiên tại đáy cùng tổng khối lượng dư bán giá sàn hơn 113 triệu cổ phiếu.
So với đầu phiên hôm nay, thị trường kết phiên với sắc đỏ chiếm ưu trên bảng điện tử cũng như ở các chỉ số ngành. Nhóm tài chính chỉ còn ngân hàng và bảo hiểm tăng trong khi cổ phiếu chứng khoán phân hóa theo chiều tiêu cực với hàng loạt mã giảm trong đó ART, FTS, BSI, VCI, HCM, APG, CTS, APS giảm sàn, SHS, SBS, IVS, VIG cũng giảm gần hết biên độ.
Diễn biến các chỉ số ngành cuối phiên 11/11 (Nguồn Viestock)
14h26: Lực bán lớn xuất hiện
Thị trường bị bán mạnh tại vùng giá cao ngay sát phiên ATC; hàng loạt cổ phiếu lớn hạ nhiệt khiến VN-index rơi mạnh và chỉ còn tăng dưới 7 điểm.
Sắc đỏ quay trở lại và lấn át thị trường trong đó có tổng cộng gần 200 mã giảm sàn trên cả HOSE, HNX và UPCoM.
13h30: Thêm cổ phiếu VN30 gây chú ý
Sau giờ nghỉ, VN-Index nhanh chóng được kéo vượt mức 965 điểm với điểm nhấn đáng chú ý khác bên cạnh các mã ngân hàng là cổ phiếu KDH với sắc tím. Theo đó, cổ phiếu Nhà Khang Điền được kéo trần lên mức 20.300 đồng.
Mặc dù vậy, áp lực bán vùng 965 - 970 điểm nhanh chóng kéo chỉ số hạ nhiệt sau 13h30.
11h30: VN-Index tăng gần 14 điểm
Trở lại với diễn biến thị trường trong nước, cổ phiếu ngân hàng duy trì vai trò dẫn dắt đến cuối phiên với các trụ đỡ quan trọng như VCB, BID, CTG, TCB, ACB.
Nhóm chứng khoán tiếp tục thể hiện là chỉ báo của thị trường với loạt mã tăng điểm như MBS (+2,8%), SSI (+2,2%), BVS (+2,1%), VND (+1,7%), SHS (+1,5%),...
Ở chiều ngược lại, ART và IVS chưa thể thoát khỏi cảnh nằm sàn, cùng với FTS, APG, CTS, VCI, EVS, BSI giao dịch trong vùng giá đỏ.
Nhóm bất động sản và bán lẻ còn lác đác một vài mã giảm sàn, các ngành còn lại hồi phục nhẹ nhưng chưa có sự bứt phá. Nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát thêm diễn biến xu hướng trong phiên chiều.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 13,77 điểm (1,45%) lên 961,01 điểm, HNX-Index giảm 0,46 điểm (0,24%) về 191,93 điểm, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (0,48%) đạt 69,13 điểm
Về mặt thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường phiên sáng nay tương đương phiên trước với 5.555 tỷ đồng - tương đương gần 400 triệu cổ phiếu được mua bán, chuyển nhượng. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 4.400 tỷ đồng.
10h36: Dấu ấn STB
Thị trường rung lắc trong vùng giá 950 - 960 điểm kể từ sau khi tiến lên mức 958 ít phút sau ATO.
VN-Index hiện đang tăng khoảng 8 điểm lên mức 955 điểm song trạng thái thị trường vẫn ở mức cân bằng với sắc đỏ hiện hữu ở hàng loạt nhóm cổ phiếu ngành.
Trong khi ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm (nhóm tài chính) vẫn đang tăng thì bất động sản vẫn duy trì áp lực giảm điểm khi các mã lớn như VIC, VRE dần hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, hàng loạt chỉ số ngành cũng đã chuyển đỏ so với thời điểm đầu phiên.
Diễn biến các chỉ số ngành lúc 10h36 (Nguồn Viestock)
Điểm nhấn lớn trên thị trường lúc này là cổ phiếu STB khi mã bắt đầu xuất hiện các lệnh mua giá trần ở mức 16.200 đồng thị giá. Cổ phiếu này cũng tạm thời dẫn đầu thanh khoản rổ VN30 với hơn 18 triệu đơn vị trong đó khối ngoại đang mua vào tới 13,5 triệu cổ phiếu nhà băng này.
2 phiên trước đó, cổ phiếu STB thậm chí đã bị dòng tiền ngoại xả bán lần lượt 6,6 triệu đơn vị và 16,6 triệu đơn vị.
9h23: Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng kéo thị tường tăng mạnh
Thị trường cơ sở đồng loạt hồi mạnh sau mở cửa với sắc xanh ở hầu hết các nhóm ngành ngoại trừ bất động sản.
Rổ VN30 có 26 mã tăng với TCB, STB, CTG, ACB, SSI, BID, MBB là các mã tăng mạnh nhất từ 2 - 4,5% qua đó giúp VN-Index tăng hơn 10 điểm và trở lại sát mức 960 điểm.
Diễn biến các chỉ số ngành lúc 9h22 (Nguồn Viestock)
Ngược lại, NVL và PDR tiếp tục giảm sàn với dư bán sàn tăng lên mức khủng - tổng cộng 115 triệu đơn vị.
Đầu phiên: Thị trường phái sinh tăng 25 điểm sau mở cửa...
3/4 chỉ số hợp đồng tương lai (HĐTL) tăng mạnh sau mở cửa với biên độ tăng từ 20 - 25 điểm.
Diễn biến tích cực của thị trường phái sinh ngay đầu phiên hôm nay rất có thể đến từ thông tin chứng khoán Mỹ có phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 giúp nhà đầu tư gia tăng hy vọng rằng lạm phát đã đạt đỉnh.
Cụ thể, kết phiên ngày 10/11, Dow Jones tăng 1.201,43 điểm (tương đương 3,7%) lên 33.715,37 điểm - phiên tăng mạnh nhất kể từ khi chứng khoán Mỹ phục hồi sau đại dịch; S&P 500 tăng 5,54% lên 3.956,37 điểm - phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020; Nasdaq Composite thậm chí tăng tới 7,35% lên 11.114.15 điểm - mức tăng tốt nhất kể từ tháng 3/2020.
Phiên trước đó, cả 4 HĐTL tiếp tục mở rộng đà giảm với mức giảm từ 38 - 58 điểm. Khối lượng trên VN30F2211 tăng 14%, VN30F2212 tăng 26%, VN30F2303 tăng 156% và VN30F2306 tăng 106%.
Phiên này, VN30-Index giảm 42,88 điểm, giảm 4,38%, đóng cửa tại 936,8 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh với 252,6 triệu cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, vùng giá 900 - 907 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của VN30F2211 trong phiên hôm nay.
Cùng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định F1 nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong những phiên tới với vùng hỗ trợ kế tiếp được đặt quanh 900.
Trên thị trường cơ sở, kết phiên 10/11, VN-Index giảm 38,25 điểm (3,89%) về 947,24 điểm, HNX-Index giảm 9 điểm (4,47%) xuống 192,39 điểm, UPCoM-Index giảm 3,41 điểm (4,72%) còn 68,8 điểm. Thanh khoản thị trường phiên này đạt tổng cộng hơn 12.100 tỷ đồng.
VN-Index giảm điểm ngay từ đầu phiên giao dịch và không thể hồi phục trong hầu hết thời gian giao dịch, các dòng giảm mạnh nhất là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí. Không một nhóm ngành nào giữ được sắc xanh trước áp lực bán tháo.
Nhiều cổ phiếu bị bán giải chấp hàng loạt dẫn đến hiệu ứng Domino trên toàn thị trường, VN-Index chính thức thủng đáy cũ 962 điểm.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định thanh khoản thị trường nhiều khả năng còn tiếp tục sụt giảm. ViệcVN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ ở mức đáy tháng 10 đang tạo tín hiệu xấu, kích hoạt áp lực cắt lỗ khiến thanh khoản tăng lên.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chưa nên bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát.