Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mô hình thành phố thông minh bền vững sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023” với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Nhận thức và quyết tâm xây dựng Thành phố Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước gần 100 triệu dân, Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng chia sẻ về các bài toán lớn, cách làm, xây dựng thể chế cũng như các công việc cụ thể mà Hà Nội đang thực hiện. Ông cho biết một điểm khác biệt của Thành phố Hà Nội so với các tỉnh thành khác là xác định chuyển đổi số gắn chặt với phát triển thành phố thông minh, thể hiện ngay từ tên gọi của Nghị quyết 18.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, cần cách thức quản trị, tiếp cận vấn đề, đổi mới quy trình nghiệp vụ để sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội mang lại hạnh phúc cho người dân đồng bộ với sự phát triển công nghệ.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 239 để thực hiện Nghị quyết 18, rà soát kế hoạch, đề án và giao nhiệm vụ chỉ đạo cho từng đồng chí lãnh đạo, giao nhiệm vụ thực hiện cho từng sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, có thời hạn cụ thể hoàn thành để dễ dàng đôn đốc chất lượng, tiến độ. Hàng năm, sở, ban, ngành cũng tham mưu thành phố ban hành kế hoạch cụ thể của từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, nhất quán với nhau về nội dung, chủ trương xuyên suốt với Kế hoạch 239.
Theo Nghị quyết 18, mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố Hà Nội áp dụng cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên.
Cụ thể, với cách tiếp cận từ trên xuống sẽ xây dựng thể chế, mô hình của chính quyền cho thành phố thông minh; từ dưới lên là các doanh nghiệp, cơ quan cơ sở của Nhà nước chủ động triển khai mô hình thí điểm, thử nghiệm. Bên cạnh Nghị quyết của Thành ủy, chương trình, kế hoạch của UBND thành phố, đề án giao cho sở ban ngành, sở ban ngành chủ động đề xuất thí điểm mô hình, hướng đến mục tiêu chung, bổ trợ cho nhau.
Chẳng hạn, ngày 28/11, Thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Ngoài ra, còn có hệ thống phục vụ điều hành của lãnh đạo thành phố để theo dõi những nhiệm vụ lớn.
Đối với Kế hoạch 239 bao gồm 55 chỉ tiêu và 201 nhiệm vụ, để triển khai các nhiệm vụ, cần phải xây dựng dữ liệu, bắt đầu từ dữ liệu chuyên ngành. Năm nay, Thành phố Hà Nội đã giao cho các sở, ban, ngành xây dựng dữ liệu đồng bộ và đôn đốc thúc đẩy, đẩy nhanh quá trình này.
Ông Nguyễn Việt Hùng cũng chia sẻ về mô hình IOC lý tưởng mà Hà Nội đang hướng đến. Đó là trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai phá, phân tích dữ liệu, xây dựng lớp bản đồ phục vụ cho quản lý dữ liệu số, phát triển thành phố thông minh. Đây là những bản đồ số về hành chính, đất đai. Có những bản đồ chồng lên các ứng dụng khác như giao thông, mật độ khu dân cư, cơ sở khám chữa bệnh y tế, trường học... Từ lớp bản đồ số này, sẽ có công cụ phân tích, tổng hợp, khai phá dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ ra quyết định cho các cấp chính quyền. Thành phố Hà Nội đang giao Sở TT&TT phát triển đề án thành phố thông minh, sẽ được trình để phê chuẩn cuối năm 2023, từ đó có kế hoạch tổng thể triển khai.
Nhấn mạnh dữ liệu đóng vai trò cốt lõi trong quy hoạch, xây dựng, vận hành thành phố thông minh, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết phải tạo lập, khai thác một cách hiệu quả và tránh tình trạng cát cứ dữ liệu.
‘Đô thị đáng sống bậc nhất thế giới’ dẫn đầu công cuộc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam
Hà Nội ưu tiên bảo vệ môi trường khi xây dựng thành phố thông minh