Hà Nội: Mặt bằng bán lẻ cho thuê dần hồi phục

17-07-2021 17:05|

Việc một số dịch vụ thiết yếu được phục hồi hoạt động cùng với xu hướng mở rộng đối tượng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 giúp lĩnh vực mặt bằng lẻ cho thuê tại Hà Nội đón nhận sự quan tâm trở lại của khách thuê.

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ trở lại

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sau khoảng thời gian bỏ trống, nhiều căn nhà phố thương mại trên đường Tố Hữu, đường Nguyễn Văn Lộc, đường Lê Trọng Tấn đã có khách thuê trở lại, dễ thấy nhất là các dịch vụ ăn uống như quán café, quán ăn nhanh… Tương tự, tại khu vực Nam Trung Yên, Yên Hòa, một số nhà hàng, quán xá phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày cũng rục rịch trở lại.

Anh Hiệp - chủ một chuỗi café rang xay tự nhiên kết hợp với ăn sáng mở từ đầu năm 2021 cho biết, mặt bằng giá thuê giai đoạn này đã giảm mạnh so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 nên việc cân nhắc mở rộng kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý.

Khảo sát trên các website mua bán, cho thuê nhà đất cho thấy, mức giá cho thuê được các chủ nhà rao thấp hơn từ 20-30% so với cách đây 1-2 năm. Đơn cử, tại phố Thái Hà vào thời điểm năm 2019, để tìm một mặt bằng mặt phố (tầng 1) kinh doanh là rất khó, mức giá thuê diện tích từ 70-80 m2 dao động từ 110-120 triệu đồng/tháng, nhưng nay giảm xuống từ 90-100 triệu đồng/tháng đối với mặt bằng diện tích từ 120-140m2.

Hay tại khu vực Nam Từ Liêm, mặt bằng giá cho thuê cách đây 2 năm với các dự án shophouse thuộc Vinhomes, Mon City có giá chào thuê từ 45-55 triệu đồng/tháng tùy theo diện tích và vị trí, thì nay đứng ở mức 30-40 triệu đồng/tháng. Ở khu vực Cầu Giấy, nơi tập trung dày đặc trụ sở văn phòng, cũng không quá khó để tìm thấy các mặt bằng nhà phố 5 tầng, hè rộng, thoáng mát, nằm trên những trục đường chính với giá cho thuê từ 30-50 triệu đồng/tháng.

Tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, những con phố kinh doanh lưu trú sầm uất với lượng khách ngoại đông đảo trước đây như Hàng Trống, Hàng Tre, Hàng Đồng…, giá thuê cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 16-25 triệu đồng/tháng đối với một kios khoảng 25-40 m2 để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh ăn uống hoặc thời trang. Việc nhiều khách thuê trước đây trả nhà do hoạt động phục vụ lưu trú ế ẩm kéo dài buộc các chủ nhà phải giảm giá để giữ chân khách cũ hoặc tìm khách mới, cho dù mặt hàng kinh doanh mới không nằm trong “gu” cho thuê.

“Mặt bằng giá thuê địa điểm kinh doanh hiện tại đã xuống mức hợp lý, nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế ổn định trở lại thì các vị trí mặt bằng bán lẻ tốt sẽ tăng giá rất nhanh” anh Hiệp nói và chia sẻ thêm, nhóm kinh doanh mà anh tham gia cũng đang tìm kiếm và chia sẻ cơ hội thuê các mặt bằng bán lẻ giá rẻ để mở rộng chuỗi hệ thống như phân phối thực phẩm chức năng, kinh doanh ăn uống hoặc nhà hàng vào thời điểm này.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của trang batdongsan.com.vn công bố giữa tuần qua, mức độ quan tâm và nhu cầu giao dịch bất động sản trong quý II/2021 cao hơn so với quý liền trước và hầu hết các tháng trong năm 2020. Cụ thể, so với quý I/2021, số lượng người tìm mua và thuê bất động sản trên cả nước tăng 54% trong quý II/2021, trong đó thông tin về mặt bằng bán lẻ cũng được tìm kiếm nhiều hơn.

undefined

Người dân xếp hàng khi vào mua sắm tại cửa hàng Muji ở Hà Nội ( Ảnh: Dũng Minh)

Thêm đại gia bán lẻ ngoại rót vốn

Cùng với sự hồi phục của mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ cá nhân khi các hộ kinh doanh nhỏ tái khởi động kinh doanh, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng vừa chứng kiến thêm một số “đại gia” bán lẻ nước ngoài tiếp tục rót mạnh vốn để chiếm lĩnh mặt bằng chất lượng cao, tập trung tại các trung tâm thương mại lớn.

Đơn cử, ngày 3/7/2021, cửa hàng MUJI đầu tiên tại Hà Nội đã được khai trương, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm và đây cũng là cửa hàng thứ hai tại Việt Nam của nhà bán lẻ đình đám đến từ Nhật Bản này. Trước đó, vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, hai nhãn hàng cao cấp là Louis Vuitton và Christian Dior cũng chính thức tham gia thị trường bán lẻ Hà Nội. Trong đầu năm nay, Pandora mở thêm 1 cửa hàng mới tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) sau khi liên tiếp khai trương 2 cửa hàng trong những ngày cuối tháng 12/2020.

Theo Savills, tuy lượng khách quốc tế giảm mạnh, nhưng thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu cao ở trong nước. Còn bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam đánh giá, điểm chung của những cuộc ra mắt trên là đều tập trung vào mảng thời trang, sức khỏe, sắc đẹp và theo bà Thanh, điều này không khó lý giải bởi mua hàng online trong suốt thời gian dịch bệnh vốn không thể thỏa mãn thói quen “trải nghiệm thực tế” tại cửa hàng của người tiêu dùng Việt.

Tất nhiên, quyết định mở rộng của những thương hiệu lớn không đơn thuần xuất phát từ yếu tố ngắn hạn như vậy. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt vẫn “khát” mặt bằng kinh doanh bởi đây là lĩnh vực hiếm hoi ghi nhận sự phồi phục tốt, dư địa khái thác còn nhiều nhờ quy mô thị trường lớn (khoảng 100 triệu dân) và mức chi tiêu tăng trưởng trung bình cao 10,5%/năm.

Số liệu khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thuê ở Hà Nội đạt xấp xỉ 1,1 triệu m2 sàn và dự kiến có thêm khoảng 73.000 m2 mặt bằng mới trong thời gian còn lại của năm 2021. Bên cạnh đó, tác động từ dịch bệnh khiến giá thuê giảm, nhưng không đồng đều giữa các khu vực. Cụ thể, khu vực trung tâm giá thuê bình quân từ 90-100 USD/m2/tháng, còn ngoài trung tâm dao động từ 20-25 USD/m2/tháng.

Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các thương hiệu bán lẻ, chủ kinh doanh sẽ “bung sức” trong những tháng cuối năm để chiếm lĩnh địa điểm kinh doanh trước khi đầu ra bị bó hẹp. Theo đó, những địa điểm chiếm nguồn cung lớn, uy tín, giá cả vừa phải cùng lượng người qua lại đông đúc sẽ là miền đất hứa, thị trường sẽ vô cùng sôi động, đặc biệt là khi vaccine được tiêm rộng rãi, kích thích dòng cầu tăng mạnh.

Theo ktck bat dong san
https://kinhtechungkhoan.vn/ha-noi-mat-bang-ban-le-cho-thue-dan-hoi-phuc-98186.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Nội: Mặt bằng bán lẻ cho thuê dần hồi phục
    POWERED BY ONECMS & INTECH