Hai cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam tổng vốn gần 6.000 tỷ
Vị trí cầu 2 cây cầu đều thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, nằm ở khu vực có cấu tạo địa chất rất phức tạp, với nền đất yếu và thủy triều lên xuống mạnh.
Đầu tháng 7/2023, Thủ tướng đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để các chủ thể liên quan làm cơ sở tiếp tục thực hiện dự án sau nhiều năm tạm ngưng.
Sau khi có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã khởi động lại các gói thầu tạm ngưng, đồng thời tổ chức đấu thầu lại các gói thầu để triển khai trong thời gian tới. Với sự điều chỉnh này, hai cầu lớn nhất là cầu Phước Khánh, Bình Khánh cùng nhiều hạng mục khác sẽ "hồi sinh" trong thời gian tới.
Cầu Phước Khánh. Ảnh: Báo Giao thông.
Cầu Bình Khánh
Khởi công vào tháng 8/2015, cầu Bình Khánh được dự kiến hoàn thành sau 47 tháng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Được thiết kế theo kiểu dây văng hai mặt phẳng, công trình cầu Bình Khánh (gồm phần bắc qua sông và cầu cạn) có tổng chiều dài gần 2,8km, rộng 21,75m chia 4 làn xe lưu thông.
Phối cảnh cầu Bình Khánh.
Độ dài 2 nhịp chính của cầu giữa lòng sông là 375m, đặt trên hai trụ cầu cao 155m với móng trụ tháp có kết cấu dạng móng cọc cừ ống thép. Dự án cầu sử dụng hơn 25m chiều dài cọc khoan nhồi các loại, hơn 7.000m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5m, gần 115.000m3 bê tông các loại và khoảng 14.000 tấn cốt thép.
Cùng với độ cao của 2 nhịp dây văng, cầu Bình Khánh có tĩnh không thông thuyền lên tới 55m, cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Chiều cao khoảng không giữa gầm cầu với mặt nước được thiết kế để phục vụ những tàu thuyền trọng tải lớn thường xuyên lưu thông trên sông Soài Rạp - tuyến vận tải thủy chính của TP HCM.
Cầu Phước Khánh
Có kích thước và kết cấu tương tự cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh dài 3,18km vượt sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng chưa liền nhịp. Toàn bộ dự án cầu Phước Khánh với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng đã đạt 80% tiến độ, phần cầu cạn thuộc dự án cơ bản hoàn thành.
Khởi công vào tháng 7/2015 và dự kiến xong trong 42 tháng, công trình sử dụng hơn 29.000m chiều dài cọc khoan nhồi các loại, hơn 6.000m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5m, trên 38.000m3 đào đắp, khoảng 106.000m3 bê tông các loại, 12.000 tấn cốt thép và 322 bộ gối cầu.
Phối xảnh cầu Phước Khánh.
Cầu Phước Khánh có độ tĩnh không 55m, cho phép những tàu có trọng tải dưới 50.000 tấn di chuyển trên Lòng Tàu đến cảng biển ở TP HCM. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trụ cầu dây văng của cầu Phước Khánh có thiết kế chịu lực va đập đối với những tàu có tải trọng đến hơn 20.000 tấn.
Vị trí cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh đều thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, nằm ở khu vực có cấu tạo địa chất rất phức tạp, với nền đất yếu và thủy triều lên xuống mạnh. Tốc độ thiết kế của hai cầu vào giai đoạn 1 là 80km/h, giai đoạn 2 là 100km/h. Khi hoàn thành, hai cây cầu này sẽ là hai cầu có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam (55m).
Dự kiến sau khi hoàn thành, hai cây cầu sẽ giúp kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, công trình trọng điểm quốc gia nối miền Tây với Đông Nam Bộ, giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành.
Do không đi qua nội đô TP HCM, toàn tuyến được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, quốc lộ 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.