Chế tạo thành công siêu cần cẩu có khả năng nâng tới 5.000 tấn khiến thế giới ngỡ ngàng
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C đạt cột mốc quan trọng khi mái vòm của lò phản ứng thứ hai được nâng lên nhờ “Big Carl” – siêu cần cẩu lớn nhất hành tinh, đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình hồi sinh ngành năng lượng hạt nhân tại Anh.
EDF Energy – nhà điều hành dự án Hinkley Point C ở hạt Somerset, Anh – vừa hoàn tất việc lắp đặt mái vòm nặng 245 tấn lên tòa nhà lò phản ứng số 2. Thiết bị thực hiện nhiệm vụ nặng nề này là Big Carl, siêu cần cẩu lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo Wonderful Engineering, Big Carl có chiều cao 250 mét ở cấu hình cao nhất. Dầm chính của cần cẩu chế tạo từ thép độ bền cao với chiều cao 160 mét và cánh tay ngang gần 100 mét. Thiết bị này được công ty Sarens thiết kế và chế tạo, có thể di chuyển trên hệ thống đường ray dài hơn 6km.

Big Carl vận hành bằng 12 động cơ, di chuyển bằng 96 bánh xe và sử dụng tới 52 đối trọng – mỗi khối nặng 100 tấn – để thực hiện các thao tác nâng có độ chính xác cực cao.
Được biết, nó có thể nâng tới 5.000 tấn, nhờ momen tải trọng tối đa 250.000 tấn - mét. Đây là cột mốc kỹ thuật quan trọng trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Anh trong hơn 30 năm qua.
Hinkley Point C được thiết kế với hai lò phản ứng hạt nhân. Khi chính thức đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp điện không thải carbon cho hơn 6 triệu hộ gia đình trên khắp nước Anh.
Mái vòm vừa được lắp đặt cao 14 mét, được ghép nối bằng 900 mối hàn, giúp công trình đạt tổng chiều cao 44 mét. Cấu kiện này được chế tạo sẵn trong nhà máy để tiết kiệm thời gian và chi phí thi công. Việc xây dựng tổ máy số 2 cũng diễn ra nhanh hơn nhờ những bài học rút ra từ tổ máy số 1.
Mặc dù dự án bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hinkley Point C vẫn đặt mục tiêu hoàn thành và phát điện vào năm 2031. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình ước tính khoảng 26 tỷ bảng Anh, tương đương 33 tỷ USD.
Ông Stuart Crooks, Giám đốc điều hành dự án, cho biết chiến lược lặp lại thiết kế và quy trình xây dựng giữa các tổ máy đã mang lại hiệu quả rõ rệt: “Phương pháp ‘lặp lại và triển khai’ là cách hiệu quả nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, và hiện chúng tôi đã rút ngắn được 20–30% thời gian thi công”.

Bộ trưởng Năng lượng Vương quốc Anh, ông Michael Shanks, khẳng định: “Hinkley Point C là một dự án có ý nghĩa quốc gia. Nó sẽ cung cấp nguồn điện hạt nhân sạch, được sản xuất ngay trong nước, tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao và tăng cường an ninh năng lượng”.
Việc nâng thành công mái vòm cho thấy tiến độ khả quan của Hinkley Point C và cũng là tín hiệu tích cực cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, ít phát thải carbon của nước Anh. Đây không chỉ là thành công về kỹ thuật mà còn là bước đệm cho sự phục hồi của ngành năng lượng hạt nhân trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm các nguồn điện bền vững và an toàn hơn.
Tham khảo Wonderful Engineering
>> Chế tạo thành công tàu đệm từ tăng tốc lên 650km/h trong 7 giây, khiến thế giới ngỡ ngàng