Hải Dương: Gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp xây dựng
Hiện nay, các mặt hàng đồng loạt tăng giá, làm thị trường biến động rất lớn. Trong ngành xây dựng cũng không tránh khỏi, vật liệu tăng cao, làm các doanh nghiệp, nhà thầu, chủ đầu tư lao đao.
Vì sao cao?
Theo một số doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Hải Dương, Kim Thành… giá nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao. Cụ thể, giá thép đã tăng thêm 200-300 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 2. Hiện giá thép Thái Nguyên và Hòa Phát đều ở mức 17.500 đồng/kg, thép Việt Mỹ 17.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nước ta phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong nước. Khi giá nguyên liệu trên thế giới tăng, các nhà sản xuất thép trong nước cũng tăng giá bán sản phẩm.
Trong khi đó, giá gạch viên từ 1.200-1.400 đồng/viên, tăng 200 đồng/viên; cát vàng (đổ trần) 500.000-600.000 đồng/m3, cát vàng (xây trát) 300.000-400.000 đồng/m3, đều tăng 50.000 đồng/m3 so với thời điểm đầu tháng 1.
Theo đại diện Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng, hiện Công ty đang thi công gần 10 công trình trên địa bàn tỉnh, trong đó có các công trình giao thông lớn như trục Đông - Tây tỉnh, trục Đông - Tây huyện Kim Thành, đường vành đai I TP Hải Dương… Thời gian tới, công ty cần khoảng 90.000 m3 cát các loại, 45.000m3 đá bây nhưng trước thực trạng giá tăng cao, nguồn cung khan hiếm như hiện nay khiến doanh nghiệp đang rất lo lắng.
Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hà Nội, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư An Phát đang tham gia thi công 2 công trình tại Hải Dương, trong đó có dự án trục Đông – Tây huyện Kim Thành. Cũng như nhiều nhà thầu khác, công ty này đã gặp rất nhiều khó khăn vì giá vật liệu thi công liên tục tăng.
Theo ông Nhữ Đình Hinh, chỉ huy trưởng của công trình trục Đông – Tây huyện Kim Thành, doanh nghiệp ký hợp đồng thi công theo đơn giá cố định. Tại thời điểm ký hợp đồng (khoảng giữa năm 2022), giá cát đen khoảng 156.000 đồng/m3, cát vàng 390.000 đồng/m3. Sau đó, giá vật liệu tăng dần, đến tháng 6.2023 công ty phải mua cát đen 205.000 đồng/m3, cát vàng 550.000 đồng/m3. Với giá vật liệu như hiện nay, công ty phải bù lỗ. 2 doanh nghiệp trên cũng đang triển khai thi công nhiều công trình tại các tỉnh khác. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá một số loại vật liệu xây dựng làm đường giao thông đến chân công trình tại Hải Dương hiện cao hơn các nơi khác từ 5-7%.
Cùng chung nỗi lo, Công ty CP Vật liệu xây dựng Côn Sơn ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) đang thi công 2 công trình tại Chí Linh, trong đó có công trình đường dẫn cầu Đồng Việt. Doanh nghiệp này đặc biệt lo lắng khi phải mua đá bây 330.000 đồng/m3 (tăng khoảng 50.000 đồng/m3 so với đầu năm 2023). Dù chấp nhận mua giá cao nhưng công ty vẫn không có đủ vật liệu cần thiết để thi công.
Gỡ khó
Thời gian qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng liên tục tăng, ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong khi giá vật liệu leo thang từng ngày, song trước áp lực tiến độ, doanh nghiệp xây dựng phải tìm cách để thi công vẫn bảo đảm thời gian mà hạn chế ảnh hưởng. Anh Hoàng Công Quyết, Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Sản xuất thương mại Quyết Tiến ETC (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp vừa làm, vừa nghe ngóng để có điều chỉnh phù hợp. Công ty đang thực hiện 3 dự án tại Hải Dương và Hà Nội. Tuy nhiên với tình hình giá vật liệu hiện tại, càng làm nhanh thì càng thiệt hại nhiều. Vì vậy doanh nghiệp đang cân đối, xây dựng lại phương án thi công để khắc phục những tác động của giá nguyên liệu đầu vào. Trong đó, chú trọng tới tìm kiếm nguồn cung vật liệu ổn định của các đơn vị uy tín để tránh vừa chịu thiệt do thay đổi giá, vừa lo khan hiếm vật liệu.
Chi phí thi công xây dựng cấu thành từ giá vật liệu, nhân công và vận hành máy móc. Doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với những bất lợi từ cả ba yếu tố trên. Vì thế, nhiều doanh nghiệp chọn phương án hoạt động cầm chừng, chờ giá nguyên vật liệu giảm để giảm bớt gánh nặng, chấp nhận vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng tiến độ.
Đại diện Công ty TNHH Khải Mạnh M&E (Thanh Hà) cho biết: "Tác động từ giá nguyên liệu, vật liệu khiến công trình, dự án bị đội vốn, chi phí thực tế chênh lệch lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Các doanh nghiệp mong muốn nhà đầu tư có thể chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua khủng hoảng về giá vật liệu đầu vào”.
Dù gặp không ít khó khăn nhưng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 đang gấp rút triển khai các dự án theo hợp đồng đã ký kết. Nhằm hạn chế tối đa chi phí phát sinh, doanh nghiệp đã rà soát, lựa chọn đầu mối cung ứng vật liệu gần vị trí công trình để tiết kiệm chi phí vận chuyển. “Chúng tôi cũng mong muốn chủ đầu tư xem xét, linh động điều chỉnh giá của hợp đồng.
Nguyên nhân chính khiến giá vật liệu xây dựng tại Hải Dương tăng cao do nguồn cung khan hiếm, một số loại vật liệu như cát, đá bây ở Hải Dương hiện không có nguồn, doanh nghiệp phải mua từ các tỉnh khác.
Thực tế, giá vật liệu xây dựng đến chân công trình được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó có giá vật liệu tại nguồn cung cấp, chi phí vận chuyển, bốc xếp. Khi nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy giá vật liệu tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu thời gian qua biến động liên tục, quãng đường vận chuyển đến mỗi công trình, địa phương khác nhau dẫn đến mỗi nhà thầu phải mua vật liệu với giá thành khác nhau. Các địa phương ở xa nguồn cung hơn thì giá vật liệu đến chân công trình cao hơn. Chưa kể giá cao còn do các khoản chi phí không chính thức.
Được biết, hiện giá vật liệu xây dựng tại Hải Dương được liên Sở Xây dựng – Tài chính Hải Dương công bố hằng tháng, theo từng địa phương, có nhiều loại vật liệu giá cao hơn so với một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh. Tuy nhiên, mức giá công bố này chưa thực sự sát sự biến động của thị trường.
Trong khi giá vật liệu xây dựng biến động theo tuần, thậm chí theo ngày thì giá công bố của tỉnh theo tháng và luôn thấp hơn giá thực tế các doanh nghiệp mua. Giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư công từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành dự án. Khi giá vật liệu tăng cao, chủ đầu tư phải điều chỉnh, cập nhật giá gói thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nguy cơ vượt tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư, dự án. Đối với các nhà thầu, khi giá vật liệu tăng cao, thiếu nguồn cung khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ, doanh nghiệp phải bù lỗ và thi công cầm chừng làm giảm hiệu quả đầu tư.
Để tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng, Hải Dương đã đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản. Đến ngày 21/7, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đấu giá thành công 5 mỏ khoáng sản tại Chí Linh, trong đó có mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp, mỏ đất, đá làm nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo.
Tuy nhiên, để các mỏ này đi vào khai thác, cần triển khai hoàn thiện nhiều thủ tục. Các nhà thầu kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, đẩy nhanh các thủ tục đưa các mỏ khoáng sản đủ điều kiện vào khai thác; đồng thời, việc công bố giá các loại vật liệu xây dựng cần kịp thời và sát giá thị trường hơn.