Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, nếu tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo báo cáo vĩ mô mới phát hành, BSC nhận định với tình trạng lạm phát Việt Nam vẫn ở mức khá bình ổn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm nhiều động lực để duy trì chính sách.
Bên cạnh đó, thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất 3 lần từ 0% - 0,25% lên mức 0,75% - 1% vào năm 2022 sẽ gia tăng áp lực về lãi suất với NHNN. Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, nền tảng vĩ mô được hồi phục và độ bao phủ vaccine ngày càng rộng, việc người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới nhu cầu tín dụng được cải thiện.
Với nhận định đó, công ty chứng khoán đưa ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) cho năm 2022.
Kịch bản 1: Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng hiện tại của NHNN. Hiện tượng này sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng trưởng ngang với giai đoạn 2020-2021, lần lượt đạt 12,0% và 13,0%.
Kịch bản 2: Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với NHNN. Bối cảnh tiền tệ ổn định có thể tạo điều kiện ổn định cho NHNN nâng mức lãi suất và tín dụng trên mức trung bình của giai đoạn 2020 và 2021. M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 14,0% và 13,0%.
Cũng theo công ty này, tính đến 24/12/2021, tín dụng tăng trưởng khoảng 13% so với cuối năm 2020. Tổng phương tiện thanh toán có số dư là hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tức tăng 8,93% so với cuối năm 2020. Thanh khoản hệ thống liên ngân hàng tăng mạnh trong năm 2021 trong bối cảnh lãi suất qua đêm vẫn năm ở mức thấp so với giai đoạn 2013-2019.
Trong năm qua, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm còn 0%/năm, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn kỳ vọng giữa năm. Đồng thời, việc hoạt động sản xuất dần phục hồi cũng làm tăng nhu cầu tín dụng giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Trong khi đó, mức chênh lệch giữa phương tiện thanh toán và tín dụng đã thu hẹp, cho thấy quá trình sử dụng vốn đã cải thiện rõ rệt bất chấp tác động của COVID-19 vào quý IV/2021. Lượng giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh trong năm 2021 tương ứng với giai đoạn lãi suất thấp đã cho thấy thanh khoản dồi dào, trong khi nhu cầu vốn ở mức vừa phải.
Tăng trưởng tín dụng chậm: Làm thế nào để đẩy nhanh tiền ra nền kinh tế?
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao: Tín hiệu gì từ thanh khoản hệ thống?