Sau khi nhận được nhiều phản ảnh về sự xuất hiện của hàng loạt các công trình xây dựng trái phép trên đất thuộc Nông trường Quý Cao, huyện Tiên Lãng. UBND TP Hải Phòng đã đề ra những phương án xử lý cụ thể.
Trên thực tế, không ít trường hợp vi phạm luật đất đai tại nông trường Quý Cao đã xuất hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, cùng với cơn sốt đất tại Hải Phòng, vi phạm tại đây bắt đầu bùng phát mạnh từ năm 2021. Đến nay trên đất của nông trường đã xuất hiện hàng loạt biệt thự, lâu đài, nhà hàng, nhà vườn, khu sinh thái trái phép.
Mới đây, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu huyện Tiên Lãng khẩn trương xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Đại Thắng, xã Tiên Cường, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao (đơn vị quản lý Nông trường Quý Cao) và các cơ quan chuyên môn trực thuộc huyện.
Đồng thời, huyện Tiên Lãng có trách nhiệm phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành và Hội đồng giải thể Công ty TNHH MTV nông nghiệp Quý Cao, nhanh chóng tổng hợp các trường hợp vi phạm và đề xuất xử lý, khi có dấu hiệu vi phạm chuyển ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Theo kết quả của đoàn thanh tra UBND Thành phố Hải Phòng, Nông trường Quý Cao (nay là Công ty Quý Cao) được thành lập từ năm 1993, quản lý diện tích đất hơn 122 ha, trong đó có hơn 100 ha đất nông nghiệp; 9,68 ha đất chuyên dụng; 1,248 ha đất ở và khoảng 10,6 ha đất lưu không nằm trên địa bàn TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.
Đến năm 2015, Công ty Quý Cao có quyết định giải thể để bàn giao diện tích đất về UBND huyện Tiên Lãng quản lý nhưng do vướng mắc địa giới giữa 2 tỉnh - thành, nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trên diện tích đất công ty đang quản lý đã được xây dựng tới 115 nhà ở, trong đó diện tích được chuyển đổi mục đích làm nhà ở chỉ có 46 hộ; diện tích các công trình còn lại đều được làm trên đất sản xuất, vi phạm Luật đất đai, trật tự xây dựng. Có nhiều công trình quy mô lớn như các biệt phủ, khu sinh thái được chuyển nhượng, mua bán giữa người trong công ty với người ngoài công ty.
Khi được chất vấn về hiện trạng buông lỏng quản lý, để vi phạm ngang nhiên kéo dài suốt nhiều năm, cả lãnh đạo nông trường lẫn cán bộ huyện Tiên Lãng đều cho rằng thẩm quyền xử lý những công trình này gặp khó khăn do “lịch sử để lại” - công tác quản lý của các bên chưa có sự rõ ràng.
Trên thực tế, dù đã có nhiều vụ án liên quan đến đất đai đưa ra xét xử, nhưng đến nay việc chứng minh lợi ích nhóm giữa một bộ phận cán bộ nhà nước với doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn còn hạn chế, có lẽ cũng vì thế nên tình trạng vi phạm Luật đất đai hiện vẫn đang diễn ra rất nhiều và rất phức tạp trên cả nước nói chung cũng như Hải Phòng nói riêng.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, cũng đã có hàng chục phản ảnh trên báo chí về vi phạm luật đất đai trên địa bàn các quận, huyện thuộc quản lý của Thành phố Hải Phòng.