Hầm vượt sông thứ hai của Việt Nam: Đi qua dòng sông biểu tượng của đô thị đáng sống nhất thế giới, chi phí gần 7.000 tỷ
Thành phố đã hoàn thành báo cáo phương án xây dựng hầm chui, nếu được chấp thuận, các đơn vị liên quan sẽ triển khai phương án tiền khả thi.
Sông Hàn là dòng sông biểu tượng của Đà Nẵng - thành phố được quốc tế bình chọn là "đáng sống bậc nhất thế giới". Hiện tại, Đà Nẵng có 11 cây cầu bắc qua sông Hàn trên quãng đường 12km. Với tốc độ phát triển đô thị và gia tăng phương tiện, thành phố tiếp tục nghiên cứu phương án hạ tầng ngầm nhằm tăng năng lực giao thông mà vẫn đảm bảo cảnh quan đô thị khu vực sông Hàn với dự án hầm vượt qua sông.

Tháng 3 vừa qua, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có báo cáo nghiên cứu về dự án hầm vượt sông Hàn với tổng chiều dài 1,67km. Trong đó, đoạn hầm kín vượt sông dài 600m, hầm kín trên bờ dài 380m, hầm hở dài 415m. Tuyến hầm bắt đầu từ đường Đống Đa và kết thúc tại đường Vân Đồn.
Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.880 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 3.900 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn và đầu tư xây dựng là 240 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 2.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 740 tỷ đồng.
Đề xuất hầm sông Hàn không mới. Năm 2016, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất phương án xây hầm, và đến tháng 3/2017, dự án được báo cáo sơ bộ lên Thủ tướng với tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đó Chính phủ yêu cầu thành phố tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu để đưa vào quy hoạch tổng thể.
>> 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông

Cùng với hầm sông Hàn, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề xuất xây dựng hầm chui qua sân bay Đà Nẵng, tạo tuyến kết nối Đông – Tây từ đường Trường Chinh đến đường Duy Tân và đường vành đai phía Tây 2. Tổng chiều dài tuyến hầm này dự kiến hơn 2,9km. Đây là phương án có ý nghĩa chiến lược trong tổ chức lại không gian đô thị, đồng thời giúp giảm tải áp lực giao thông hiện hữu quanh khu vực sân bay - một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của thành phố.
Nếu được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, hầm qua sông Hàn sẽ là hầm vượt sông thứ hai của Việt Nam. Hiện tại, hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông duy nhất của nước với chiều dài gần 1,5km, rộng 33m, cao 9m với 6 làn xe, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Công trình trong những năm qua đã giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu của TP. HCM, đồng thời tạo thành hành lang giao thông chiến lược từ miền Tây Nam Bộ đến miền Đông Nam Bộ.