Hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam: Vươn tầm Đông Nam Á, biến bán đảo biệt lập thành khu đô thị quy mô
Hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam sau 14 năm đưa vào hoạt động đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cả một khu vực từng bị biệt lập của TP. HCM.
Hầm Thủ Thiêm là công trình hạ tầng mang tính biểu tượng của TP. HCM. Đây không chỉ là đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam mà còn là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á. Sau 7 năm xây dựng, công trình đã được khánh thành vào năm 2011, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc kết nối bán đảo Thủ Thiêm với trung tâm thành phố.

Chỉ cách trung tâm TP. HCM vài trăm mét qua sông Sài Gòn, bán đảo Thủ Thiêm từng là khu vực biệt lập với hệ thống hạ tầng xuống cấp. Mặc dù sở hữu vị trí chiến lược với 3 mặt giáp sông hướng về trung tâm thành phố, khu vực này vẫn bị tụt hậu trong suốt nhiều thập niên do thiếu cầu nối và các tuyến giao thông trọng yếu.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của bán đảo Thủ Thiêm, TP. HCM đã triển khai hàng loạt dự án hạ tầng nhằm “phá thế cô lập”, biến nơi đây thành khu đô thị hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Trong số đó, hầm Thủ Thiêm - một phần của đại lộ Đông - Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) được xem là công trình quan trọng nhất, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn quy hoạch đô thị phía Đông thành phố.
Hầm Thủ Thiêm có chiều dài gần 1.490m, gồm ba phần chính: đoạn dẫn phía quận 1 dài 585m, đoạn dẫn phía Thủ Thiêm dài 535m và phần hầm dìm dài 370m nằm dưới lòng sông Sài Gòn. Công trình được thiết kế rộng hơn 33m, cao gần 9m với 2 chiều lưu thông, mỗi chiều gồm 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Tốc độ tối đa cho phép là 60km/h đối với ô tô và 40km/h đối với xe máy.

Hầm được thi công bằng công nghệ đúc và dìm hiện đại từ Nhật Bản, sử dụng vật liệu chính là bê tông cốt thép. Hầm có khả năng chịu động đất cấp độ 7 và được thiết kế với tuổi thọ lên tới 100 năm. Tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng, trong đó một phần lớn là vốn ODA do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.
Bên trong hầm, hệ thống kỹ thuật được giám sát 24/24 với 54 camera và 140 nhân viên vận hành. Hệ thống gồm các thiết bị hiện đại như cảm biến độ ẩm, khói bụi, hệ thống thông gió, chiếu sáng, báo cháy và 37 lối thoát hiểm bố trí dọc thân hầm để đảm bảo an toàn tối đa. Mỗi ngày, công trình phục vụ khoảng 45.000 ô tô và 15.000 xe máy lưu thông.

Hầm Thủ Thiêm giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu. Công trình cũng là điểm kết nối quan trọng giữa trục đại lộ Đông - Tây với cao tốc TP. HCM - Trung Lương, tạo thành hành lang giao thông chiến lược từ miền Tây Nam Bộ đến miền Đông Nam Bộ và cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.
Đặc biệt, hầm Thủ Thiêm đóng vai trò “mở cửa” cho Thủ Thiêm - khu đô thị được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính – thương mại mới của TP. HCM. Với hệ thống giao thông đang dần hoàn thiện, bao gồm 5 cây cầu và một cầu đi bộ nối các quận trung tâm với Thủ Thiêm, khu vực này sẽ dần thay đổi diện mạo, trở thành biểu tượng phát triển mới của thành phố.
>> 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông