Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa tiếp tục tăng.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 26/5 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa tiếp tục tăng do tác động từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc xung đột vẫn đang diễn ra ở Ukraine.
Hội đồng chính sách tiền tệ của BoK cùng ngày đã bỏ phiếu tăng lãi suất repo chuẩn trong 7 ngày lên 1,75% tại một cuộc họp ấn định tỷ giá.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 trong năm 2022 (sau hai lần liên tiếp tăng 0,25 điểm phần trăm trong cả tháng 1 và tháng 4 vừa qua) và là lần tăng thứ 5 kể từ tháng 8/2021 khi BoK bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt trong khoảng 2 năm để hỗ trợ nền kinh tế "xứ sở kim chi" bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Quyết định tăng lãi suất lần này của BoK được đưa ra giữa lúc Hàn Quốc đang phải "vật lộn" với lạm phát gia tăng do giá dầu, năng lượng và các mặt hàng chính khác tăng vọt trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự báo lạm phát cũng sẽ tăng lên 3,3% trong tháng 5/2022, mức cao nhất kể từ tháng 10/2012. Lạm phát dự kiến tăng cũng có thể thúc đẩy nhu cầu về tiền lương và điều này sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát.
BoK nhấn mạnh rằng, ưu tiên hàng đầu là giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát mặc dù vẫn thận trọng cho rằng chi phí đi vay tăng có thể gây tác động xấu lên nền kinh tế.
Bên cạnh đó, BoK cũng chịu áp lực tăng tỷ giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi đầu tháng này đã có một “động thái mạnh mẽ” khi tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên phạm vi 0,75-1% và ám chỉ rằng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới như một phần của chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Chính lập trường chính sách tiền tệ "cứng rắn" của Fed đã làm dấy lên lo ngại ở Hàn Quốc rằng sự chênh lệch chi phí đi vay giữa hai nước có thể đảo ngược trong những tháng tới và châm ngòi cho một dòng vốn lớn chảy ra từ Hàn Quốc và tiếp tục làm suy yếu giá trị đồng won (so với đồng USD) vốn có thể làm tăng áp lực lạm phát (bằng cách làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn).