Hàn Quốc tìm đối sách giảm thiểu tác động của bất ổn tài chính, tiền tệ

17-06-2022 10:20|Linh Vân

Giới phân tích lo ngại rằng nếu lãi suất chuẩn của Hàn Quốc được giữ nguyên trong khi Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới, lãi suất chuẩn ở Mỹ sẽ cao hơn Hàn Quốc 0,25 -0,5%.

Các quan chức đứng đầu các tổ chức tài chính, tiền tệ hàng đầu của Hàn Quốc ngày 16/6 đã tổ chức cuộc họp kinh tế vĩ mô và tài chính khẩn cấp tại Hội trường Ngân hàng Seoul để thảo luận về việc đưa ra những đối sách phù hợp nhằm giảm tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất mạnh lên thị trường ngoại hối và tài chính của nước này.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho, Thống đốc Ngân hàng trung ương (BoK) Lee Chang-yong, Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Kim So-young, Chủ tịch Cơ quan Giám sát Tài chính Lee Bo-hyun, và Trợ lý các vấn đề kinh tế của Văn phòng Tổng thống Choi Sang-moo.

Phó Thủ tướng Choo cho rằng sự kết hợp của các yếu tố như việc Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 30 năm, cuộc xung đột đang kéo dài giữa Nga và Ukraine, và các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã hình thành cuộc khủng hoảng kinh tế phức hợp hiện nay thúc đẩy lạm phát gia tăng và nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Do đó, chính phủ và Ngân hàng trung ương cần vững vàng và hợp tác để ổn định giá cả, giảm sự bất ổn trên thị trường tài chính và ngoại hối, củng cố sự lành mạnh của các tổ chức tài chính để giảm thiểu tác động của khủng hoảng

Để kiềm chế lạm phát tăng cao, Fed đã thông báo quyết định tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản, từ mức 0,75 -1% lên 1,50 -1,75%. Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, phản ánh rằng áp lực lạm phát hiện nay ở Mỹ đang ở mức cao.

Với cú sốc mới này, thị trường tài chính và nền kinh tế thực tại Hàn Quốc đang phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn và việc bình ổn giá cả là nhiệm vụ cấp bách nhất ở thời điểm hiện tại.

Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng 5/2022 cũng đã tăng hơn 5%. Nếu lãi suất chuẩn ở Mỹ vượt Hàn Quốc trong một hoặc hai tháng tới sẽ có thể gây ra một loạt phản ứng dây chuyền như sự thoái vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và sự mất giá của đồng won Hàn Quốc. Điều này sẽ kích thích giá cả tăng cao hơn nữa trong tương lai.

Sau 'bước nhảy' lãi suất của Fed, chênh lệch lãi suất chuẩn giữa Hàn Quốc và Mỹ đã thu hẹp đáng kể từ 0,75 -1% xuống 0 -0,25%
Giới phân tích lo ngại rằng nếu lãi suất chuẩn của Hàn Quốc được giữ nguyên trong khi Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới, lãi suất chuẩn ở Mỹ sẽ cao hơn Hàn Quốc 0,25 -0,5%.

Vì đồng won không phải là đồng tiền chủ chốt, nếu lãi suất chuẩn ở Hàn Quốc thấp hơn ở Mỹ, nguy cơ dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường Hàn Quốc và đồng won mất giá sẽ tăng lên đáng kể. Đồng won Hàn Quốc giảm giá chắc chắn sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó càng kích thích lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, BoK cũng nhấn mạnh rằng xét trên đánh giá các yếu tố nền tảng kinh tế như tiêu dùng tiếp tục phục hồi và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại, khó có khả năng việc đảo ngược lãi suất chuẩn giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ dẫn đến sự biến động mạnh về việc dòng vốn chảy khỏi Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh cho người dân. Chính phủ cũng đang xem xét nới lỏng các quy định và giảm thuế doanh nghiệp như một trong nước bước đi chính sách kinh tế lớn đầu tiên nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho khu vực tư nhân để giữ động lực tăng trưởng.

Tổng thống Yoon Suk-yeol phủ nhận cáo buộc nổi loạn, chỉ trích phe đối lập

Báo ngoại: Ông lớn Hàn Quốc SK Group cân nhắc bán 65% cổ phần ở Imexpharm (IMP)

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/han-quoc-tim-doi-sach-giam-thieu-tac-dong-cua-bat-on-tai-chinh-tien-te-136207.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàn Quốc tìm đối sách giảm thiểu tác động của bất ổn tài chính, tiền tệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH