Tài chính Ngân hàng

'Tập đoàn đòi nợ' kiểu giang hồ: Giám đốc nói không biết gì, 26 bị hại không yêu cầu bồi thường

Mạnh Hiếu 23/07/2025 13:33

Từ sim rác, phần mềm đổi giọng đến cắt ghép ảnh nhạy cảm, “tập đoàn đòi nợ” hoạt động như tổ chức tội phạm nhưng lãnh đạo vẫn nói không hay biết.

Ngày 22/7, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 45 bị cáo trong vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến “hệ sinh thái” gồm 7 công ty đòi nợ do Lê Quốc Thống (47 tuổi, đang bỏ trốn) thành lập và điều hành.

Theo cáo trạng, năm 2018, Thống mua lại hơn 238.000 khoản nợ xấu từ một doanh nghiệp tài chính với giá chỉ bằng 12–15% mệnh giá khoản nợ, tổng giá trị danh nghĩa lên tới 3.500 tỷ đồng. Kèm theo đó, Thống được bàn giao thông tin cá nhân của người vay và từ đó lập ra hệ thống các công ty thu hồi nợ.

Giao chỉ tiêu hàng trăm con nợ mỗi tháng

Thống tuyển dụng 103 nhân viên, chủ yếu từ 20–30 tuổi, chia thành 11 nhóm, mỗi người được giao chỉ tiêu thu hồi từ 400–500 khách hàng mỗi tháng. KPI cụ thể bằng tiền được giao theo từng nhóm, nếu không đạt hai tháng liên tiếp sẽ bị sa thải. Những người hoàn thành vượt chỉ tiêu được thưởng phần trăm.

Để đòi nợ, các công ty này thiết lập tổng đài tự động, sử dụng phần mềm đổi giọng nam – nữ, và dùng hàng loạt SIM rác để gọi điện, nhắn tin đe dọa, xúc phạm, khủng bố tinh thần người vay và người thân.

Một số bị cáo còn cắt ghép ảnh người vay với hình ảnh phản cảm, gán ghép các nội dung sai sự thật như “chửa hoang”, “hành nghề mại dâm”, “loạn luân”, “nghiện ma túy” hoặc “cặp bồ với đồng nghiệp” rồi đăng tải lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, gây sức ép buộc trả tiền.

Theo VKS, bằng những thủ đoạn này, “tập đoàn” của Thống đã thu hồi được 571 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới xác định được 26 bị hại với số tiền bị cưỡng đoạt gần 1 tỷ đồng.

Giám đốc điều hành chối trách nhiệm

Ngoài Thống đang bỏ trốn, các bị cáo chủ chốt trong đường dây, bao gồm Trần Hồng Tiến (51 tuổi), Giám đốc điều hành toàn hệ thống, đang bị đưa ra xét xử. Tiến là đối tác thân cận của Thống từ những ngày đầu hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ.

Theo lời khai tại tòa, Tiến cùng Thống đã thành lập nhiều công ty từ năm 2017, đăng ký đứng tên các giám đốc khác nhau nhưng thực tế nhân viên hoạt động chung tại một địa điểm và do Tiến – Thống trực tiếp điều hành.

Mỗi tháng, Thống tổ chức họp với ban lãnh đạo và các trưởng nhóm đòi nợ để tổng kết hoạt động. Khi Thống xuất cảnh, các cuộc họp được duy trì qua hình thức trực tuyến vào mỗi thứ Ba hàng tuần.

VKS cáo buộc Tiến biết rõ các thủ đoạn đe dọa, cắt ghép hình ảnh, bôi nhọ trên mạng xã hội để gây áp lực đòi nợ, nhưng vẫn tiếp tục chỉ đạo, thúc ép nhân viên đạt chỉ tiêu. Tiến được chi trả lương 40 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Tiến phủ nhận liên quan: “Không biết, không chứng kiến nhân viên đòi nợ bằng cách cắt ghép hình ảnh phản cảm hay đe dọa người vay”. Ông ta khai chỉ “nghe thấy ồn ào” khi đi qua và được Thống trấn an rằng “đòi nợ thì phải to tiếng”.

'Tập đoàn đòi nợ' kiểu giang hồ: Giám đốc nói không biết gì, 26 bị hại không yêu cầu bồi thường
Thống tuyển dụng 103 nhân viên, chủ yếu từ 20–30 tuổi, chia thành 11 nhóm, mỗi người được giao chỉ tiêu thu hồi từ 400–500 khách hàng mỗi tháng.

Cấp dưới đồng loạt “không biết”

Cùng quan điểm “không biết”, bị cáo Nguyễn Đức Khoa (34 tuổi), cấp phó của Thống, đồng thời là tổng giám đốc của ba công ty, cho biết chỉ tập trung vào KPI, số nợ thu hồi và tuyển dụng nhân sự, không nắm được cách thức đòi nợ của nhân viên.

Khoa khai mỗi tháng được duyệt chi 50–60 triệu đồng để mua thêm dữ liệu cá nhân khách vay, bao gồm Facebook, Zalo, nơi làm việc, số điện thoại phụ và thông tin người thân, bên cạnh dữ liệu do phía bán nợ cung cấp.

Trong khi đó, các trưởng nhóm đòi nợ khai đã “tự học hỏi nhau”, không được công ty huấn luyện cụ thể. Một số nhân viên cho biết được rủ rê từ người quen hoặc được gọi mời trực tiếp, lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng, được thưởng thêm 5 triệu đồng nếu thu được khoản nợ 100 triệu. Nếu không đạt KPI trong 2 tháng sẽ bị sa thải.

Tại phiên xử, 26 bị hại được xác định không có mặt tại tòa nhưng thống nhất không yêu cầu bồi thường, chỉ đề nghị xử lý nghiêm các bị cáo. Các trường hợp còn lại, cơ quan tố tụng tiếp tục ủy thác cho công an các địa phương xác minh và sẽ tách hồ sơ xử lý sau.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 7 ngày.

>> Hé lộ chiêu trò của 'tập đoàn' siết nợ bằng thủ đoạn cắt ghép ảnh đồi trụy, khủng bố tinh thần khiến con nợ khiếp sợ

Cho vay lãi suất lên tới 7.200%, nhóm giang hồ dùng video khỏa thân đề đòi nợ

Nhân viên Mirae Asset ghép ảnh khiêu dâm, ảnh thờ, đám tang… của khách hàng để đòi nợ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-doi-no-kieu-giang-ho-giam-doc-noi-khong-biet-gi-26-bi-hai-khong-yeu-cau-boi-thuong-297287.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Tập đoàn đòi nợ' kiểu giang hồ: Giám đốc nói không biết gì, 26 bị hại không yêu cầu bồi thường
    POWERED BY ONECMS & INTECH