Hãng phim truyện Việt Nam họp bàn phương án 'hồi sinh'
Kể từ bộ phim 'Cuộc đời của Yến' từ năm 2016 đến nay, Hãng phim truyện Việt Nam chưa có phim mới.
Ngày 12/11, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), đã có buổi làm việc với cán bộ, nghệ sĩ và người lao động nhằm tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sau nhiều năm gián đoạn.
Ông Thắng nhấn mạnh tại buổi họp rằng công ty sẽ điều chỉnh cách thức quản lý và văn hóa ứng xử để phù hợp hơn với đặc thù hoạt động nghệ thuật. Ông cũng bày tỏ sự khó khăn khi nhà đầu tư chiến lược chưa thể thoái vốn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. “Chúng tôi phải duy trì hoạt động và tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm, dù quá trình thoái vốn chưa có giải pháp từ cơ quan chức năng”, ông Thắng chia sẻ với báo Tiền Phong. Để giảm thiểu tổn thất, công ty quyết định bắt đầu khôi phục sản xuất.
Hãng phim truyện Việt Nam |
>> Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: 'Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới'
Trong buổi gặp mặt, các nghệ sĩ và người lao động bày tỏ nguyện vọng được quay lại nghề, làm việc tại một đơn vị từng là đầu tàu của điện ảnh Việt Nam. Họ hy vọng công ty sẽ sớm xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, ít nhất trong 5 năm tới, để có thể ổn định và phát triển bền vững.
Về mặt quyền lợi, 18/20 nhân viên kiến nghị công ty nối lại chế độ bảo hiểm với mức tương đương thu nhập hiện tại, đồng thời hỗ trợ các nhân viên bị cắt bảo hiểm bằng khoản tiền hai tháng lương mỗi năm. Khoản hỗ trợ này được đề xuất trả nhiều đợt trong một năm, dựa trên mức lương của từng cá nhân trước khi bảo hiểm bị cắt. Nhân viên cũng đề nghị công ty đảm bảo mức lương tối thiểu trong 12 tháng đầu; sau đó, mức lương có thể điều chỉnh tùy theo tình hình hoạt động thực tế của công ty.
Hai người lao động khác đề nghị công ty hoàn trả lương và bảo hiểm cho khoảng thời gian công ty không tạo việc làm, dẫn đến việc lương và bảo hiểm bị gián đoạn. Họ cũng đề xuất các thỏa thuận về quyền lợi lao động nên có sự giám sát từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại diện công ty cho biết sẽ xem xét nối lại chế độ bảo hiểm nếu người lao động đồng thuận, đồng thời cân nhắc các khoản hỗ trợ khi công ty đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, công ty phản hồi rằng yêu cầu hỗ trợ hai tháng lương mỗi năm cho thời gian lao động không làm việc và công ty không sản xuất phim là chưa hợp lý. Do đó, các bên vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong cuộc họp lần này.
Cuộc họp này được kỳ vọng sẽ mở ra bước đầu cho việc tái khởi động Hãng phim truyện Việt Nam, một đơn vị có nhiều đóng góp quan trọng trong nền điện ảnh nước nhà nhưng đã gặp nhiều trở ngại trong suốt gần một thập kỷ qua.
Hãng phim truyện Việt Nam -1981. Ảnh: VFS |
Được thành lập năm 1953, hãng phim truyện Việt Nam (tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) vốn là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trở thành cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 2016 và quá trình cổ phần hóa chính thức được tiến hành vào năm 2017, từ đó nảy sinh hàng loạt sai phạm.
Phim gần nhất của Hãng phim truyện Việt Nam là Cuộc đời của Yến do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn vào năm 2016. Phim được hoàn thành cách đây 8 năm. Kể từ đó, hãng phim gần như “đóng băng”, không có dự án nào được sản xuất.
>> Sếp FPT Retail bật mí cách dùng công nghệ để dẫn lối thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu
Đối tác của tỷ phú Elon Musk tại Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi nhân sự, lên 3.000 lao động
Hải Phòng sẽ cần khoảng 127.800 lao động chất lượng cao trong vài năm tới đây