Hành trình thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau hơn 1/4 thế kỷ

24-08-2021 11:25|Tuấn Việt

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng trưởng từ 450 triệu USD vào năm 1995 lên trên 90 tỷ USD năm 2020. Hoa Kỳ hiện đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Theo lộ trình chuyến công du Đông Nam Á kéo dài 5 ngày, sau hai ngày tại Singapore, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ chính thức thăm Việt Nam từ hôm nay (24/8) đến ngày 26/8.

Tại Singapore, bà Harris đã có cuộc gặp và họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long. Còn ở Việt Nam, cuộc gặp mong đợi nhất giữa Phó tổng thống Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính để thảo luận trực tiếp về ba vấn đề chính mà cả hai nước quan tâm hiện nay bao gồm cùng hợp tác chống dịch COVID-19, thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực.

Cho đến nay, Mỹ là một trong những quốc gia giúp đỡ Việt Nam lớn nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Moderna và 20,9 triệu USD để chống dịch, trong đó có 12,5 triệu USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 7,2 triệu USD từ Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC).

Tại chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào cuối tháng 7, Mỹ cũng đã cam kết tặng Việt Nam 77 tủ đông âm sâu để bảo quản vắc xin COVID-19.

Cuối tháng 7 vừa qua, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.

Trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR tuyên bố sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đây được xem là bước đi tích cực tiếp theo thỏa thuận đạt được ngày 19/7 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Đồng thời là kết quả của quá trình đối thoại thực chất và thiện chí của cả hai bên nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương, hướng tới xây dựng quan hệ ổn định và bền vững, có lợi cho cả hai nước trên tinh thần đối tác toàn diện.

Theo đánh giá gần đây của Wall Street Journal, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù một số lợi ích Việt Nam nhận được có thể chỉ mang tính thời điểm, song dự đoán, hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ còn duy trì mức khá trong trung hạn.

HƯỚNG TỚI GIÁ TRỊ THƯƠNG MẠI 100 TỶ USD

Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD).

Tính chung giai đoạn 5 năm gần nhất (2016-2020), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 (khi 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao), lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 (khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương).

Hoa Kỳ hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, sau 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã lên tới gần 63 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa con số 100 tỷ USD kim ngạch song phương vào cuối năm 2021 là hoàn toàn trong tầm tay.

undefined

Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2020).

Sau hơn một phần tư thế kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn bè, đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với triển vọng rộng mở hợp tác trong tương lai.

Từ 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiếp tục có ba cột mốc quan trọng khác trong quan hệ hợp tác thương mại:

- Ngày 13/07/2000: Hiệp định thương mại Việt - Hoa Kỳ (BTA) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 10/12/2001.

- Tháng 12/2006: Sau khi được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, Tổng thống G.W.Bush đã trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).

- Tháng 7/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký kết thỏa thuận “Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt”, khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Link Nguồn

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-trinh-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-sau-hon-14-the-ky-120553.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hành trình thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau hơn 1/4 thế kỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH