Theo báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021" của Ngân hàng Thế giới (WB), tình hình kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi một phần nhờ việc khôi phục các hoạt động kinh tế địa phương.
Sản xuất công nghiệp, bán lẻ và hàng hóa đều tăng trưởng
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương với tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50,0. Điều này cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% trong tháng 11 (so với tháng trước), nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào tháng 11/2020.
So với bán lẻ hàng hóa (tăng 5,2% so tháng trước), doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong đợt giãn cách quý III nhưng cũng phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi các biện pháp này được gỡ bỏ (tăng 12,5% so tháng trước). Tuy nhiên, cả hai vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi giảm trong tháng 10.
Tín dụng đối với nền kinh tế ước tính tăng 13,9% trong tháng 11 (so cùng kỳ năm trước), tương đương với mức tăng trong tháng 10 và tháng 9.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, qua đó cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Với tín dụng tăng trưởng ổn định, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được giữ ở mức bình quân 0,63%, tương đương với lãi suất trong tháng 10 và tháng 9.
Lạm phát tăng nhẹ
Sau hai tháng giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 11 (so với tháng trước). Xu hướng này một phần phản ánh chi phí nhóm giao thông cao hơn (3,1% so tháng trước) do giá nhiên liệu tăng cao, nhu cầu trong nước về các sản phẩm ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistic gia tăng.
Giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng đi xuống, giảm 0,2% so với tháng trước nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định. So cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 2,1%, nhỉnh hơn so với tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo WB, về chính sách tài khóa, trong thời gian tới, cần hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng.
"Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính", WB nói thêm.
Liên quan đến thực trạng nền kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 bế mạc ngày 5/12/2021, giải đáp thắc mắc "Chính sách tài khóa nên tập trung phát tiền trực tiếp cho dân" Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nước phát triển, dư địa có độ co giãn rất eo hẹp nên họ phát tiền mặt trực tiếp cho người thụ hưởng. Còn tại Việt Nam, chỉ có hai cách, giữ nguyên thuế, thu về rồi chi hoặc giảm thuế tiêu dùng.
Tăng tiền lương đóng BHXH trong doanh nghiệp từ 1/7/2025?
TỔNG THUẬT: Nội dung hỏi đáp tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11