Hiệp hội Ngân hàng: Thành lập công ty mua bán nợ là không khả thi

24-05-2023 10:56|DIỄM NGỌC

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, việc thành lập công ty mua bán nợ là không khả thi do không mang lại ý nghĩa thiết thực và không thể hiện được tính minh bạch trên thị trường.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nỗ lực xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu phình to, nhưng tốc độ thu hồi nợ và tài sản đảm bảo (TSĐB) diễn biến chậm. Ngoài lý do khó khăn chung của nền kinh, một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động xử lý nợp xấu của các TCTD chậm là thị trường mua bán nợ chưa hoạt động hiệu quả.

sua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-23.2.2.jpg
Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu

Theo ông Darryl Dong, cán bộ Quốc gia Cao cấp tại IFC Việt Nam đánh giá, Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Hiện luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường.

“Do quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia, nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch giữa các ngân hàng, chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu, phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa, thì cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình”, ông Darryl Dong nhấn mạnh.

Mới đây, có ý kiến đề xuất Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có thể thành lập công ty mua bán nợ, nhằm đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu hơn. Trả lời phóng viên , TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội bày tỏ quan điểm rằng, việc này là không khả thi và VNBA cũng chưa nghĩ tới.

Ông Hùng cho rằng, vai trò của VNBA là tổ chức bảo vệ quyền lợi của các hội viên tham gia vào cơ chế chính sách. Vậy VNBA có thể thành lập doanh nghiệp tư vấn hoặc đào tạo, còn về nghiệp vụ kinh doanh, mua nợ của các hội viên trong Hiệp hội sẽ không thể hiện được tính minh bạch trên thị trường.

“Mặt khác, VNBA cũng chưa có đủ nguồn lực để thực hiện việc này. Nếu vốn góp từ các cổ đông trực thuộc của VNBA là các ngân hàng, sau đó các ngân hàng lại mua nợ của nhau cũng sẽ không mang lại ý nghĩa thiết thực”, vị Tổng Thư ký chia sẻ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nói thêm, đến hiện tại, vướng mắc lớn nhất là kế thừa nợ xấu và kế thừa khoản nợ. Khoản nợ khác với tài sản, kế thừa khoản nợ là kế thừa cả gốc, lãi và kế thừa cả TSĐB. Vậy người đi vay không trả được nợ cho ngân hàng, thì những người khác mua nợ cũng rất khó để đòi được nợ.

ong-nguyen-quoc-hung-2-1.jpeg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Vì vậy, nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng sẽ rất khó xử lý, nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ.

Trước đây, chúng ta đã có Nghị định 163 của Chính phủ về việc thu giữ TSĐB và ngân hàng đã được thu giữ TSĐB. Trong hợp đồng thế chấp, khi đến hạn, người vay không trả được thì tự nguyện bàn giao cho ngân hàng để phát mại. Thu giữ TSĐB, thì phải thực hiện theo luật thuế.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta vẫn không thực hiện được, trong khi việc thu giữ TSĐB là trách nhiệm của người vay và người cho vay, nhưng người cho vay không có quyền thu giữ TSĐB, các ngân hàng buộc phải xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng, dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian để xử lý. Trong quá trình thi hành án, các đương sự cũng cố tình tạo ra tranh chấp bên thứ ba, sau đó khởi kiện ra Tòa án nhằm kéo dài việc kê biên, xử lý TSĐB.

“Tôi cho rằng, đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới, thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023, nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới”, ông Hùng kiến nghị.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành

Kiểm toán Nhà nước "điểm mặt" loạt ngân hàng vượt trần tín dụng, nợ xấu cao

Sở hữu “mỏ vàng” dữ liệu, ngân hàng lên kế hoạch tấn công phân khúc cho vay nhỏ lẻ online

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/hiep-hoi-ngan-hang-thanh-lap-cong-ty-mua-ban-no-la-khong-kha-thi-244422.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hiệp hội Ngân hàng: Thành lập công ty mua bán nợ là không khả thi
POWERED BY ONECMS & INTECH