Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng quyền mua nợ xấu cho VAMC
Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng quyền cho VAMC được mua nợ xấu theo giá thị trường, bao gồm cả ngân hàng nước ngoài, không cần xin phê duyệt từng thương vụ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), với hàng loạt thay đổi lớn nhằm nâng cao năng lực xử lý nợ xấu trong hệ thống.
Theo dự thảo, NHNN đề xuất mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC, cho phép tổ chức này mua nợ không chỉ từ các ngân hàng Việt Nam mà còn từ các tổ chức tín dụng liên doanh, 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nếu đáp ứng tiêu chí mua theo giá thị trường.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã tạo hành lang pháp lý cho việc này, song Nghị định 53 hiện hành chưa cập nhật tương ứng. NHNN đánh giá việc bổ sung quy định sẽ giúp đảm bảo sự công bằng, đồng thời góp phần củng cố hệ thống tài chính – ngân hàng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Ngoài ra, để thúc đẩy xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo cũng bổ sung cơ chế cưỡng chế bán nợ nếu tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%, kèm điều kiện phải có kiểm toán độc lập và phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.
Đáng chú ý, các khoản chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá thị trường khi bán nợ sẽ được phép phân bổ vào chi phí hoạt động trong tối đa 5 năm, giúp các ngân hàng giảm áp lực tài chính trong ngắn hạn khi xử lý nợ xấu.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng quyền cho VAMC được mua nợ xấu theo giá thị trường, bao gồm cả ngân hàng nước ngoài, không cần xin phê duyệt từng thương vụ. |
Một thay đổi lớn khác là đề xuất hủy bỏ quy định NHNN phải phê duyệt từng phương án mua nợ của VAMC theo giá thị trường và phương án phát hành trái phiếu đặc biệt.
Theo NHNN, các nội dung này đã được lồng ghép đầy đủ trong kế hoạch kinh doanh hằng năm của VAMC – vốn phải trình Thống đốc NHNN phê duyệt theo Quyết định 195/QĐ-NHNN ban hành tháng 2/2023. Do đó, không cần duy trì thêm một bước thủ tục riêng lẻ cho từng thương vụ.
Việc cắt giảm thủ tục được kỳ vọng giúp VAMC chủ động hơn trong hoạt động mua – bán nợ, đồng thời giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả xử lý nợ xấu trên thị trường.
Dự thảo mới cũng bổ sung Điều 14a, cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá thị trường – thay vì chỉ phát hành trái phiếu đặc biệt như trước đây.
Hoạt động phát hành trái phiếu này sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định chung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay quy định huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước. Thay vào đó, VAMC được phép lựa chọn linh hoạt một trong bốn phương thức: đấu thầu, bảo lãnh, đại lý hoặc bán trực tiếp – tương đồng với thông lệ thị trường tài chính hiện đại.
VAMC cũng có thể thuê các tổ chức định giá độc lập để xác định giá trị khoản nợ và tài sản bảo đảm khi cần thiết, đảm bảo tính minh bạch và sát với giá thị trường.
>> Đề xuất tái sử dụng hơn 6.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho vay chính sách
Công an phát cảnh báo khẩn: Chiêu lừa khiến người dân bỗng mang khoản nợ xấu 50 - 100 triệu đồng
Nợ xấu nguy cơ mất vốn vọt lên 176.000 tỷ: Điều gì đang diễn ra?