Họ Gelex (GEX) đi muôn nơi...

06-04-2022 18:32|Ba Lỗ

Không còn gì phải bàn cãi về các chỉ số về tăng trưởng, vị thế doanh nghiệp cũng như cam kết với cổ đông của Tập đoàn Gelex (GEX) sau những thương vụ M&A thời gian qua. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư quan tâm lúc này chính là tình hình tài chính "có vấn đề" của doanh nghiệp này.

Nhóm "cổ đông vô danh" đã tiếp quản Gelex như thế nào?

CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện do Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) quản lý.

Ngày 1/12/2010, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trong đó Bộ Công Thương là cổ đông Nhà nước sở hữu gần 80% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất công nghiệp thiết bị điện và vật liệu xây dựng; hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp,…

Đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương tiến hành thoái vốn và Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện rơi vào tay tư nhân. Đến tháng 6/2021, doanh nghiệp này đổi tên thành CTCP Tập đoàn Gelex.

Quá trình cổ phần hóa và chuyển nhượng phần vốn góp của Bộ Công Thương tại Gelex là một hiện tượng hy hữu trong lịch sử thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, phiên giao dịch ngày 25/12/2015 đã đi vào lịch sử của sàn UPCoM khi chỉ trong 30 phút ngắn ngủi sau mở cửa, cổ đông Nhà nước là Bộ Công thương đã bán xong toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX - tương đương 78,74% vốn điều lệ, tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng. Trong phiên này, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu.

Đáng nói, cái cách Bộ Công Thương công bố thông tin thoái vốn khỏi Gelex cũng vô cùng kỳ lạ.

Ngày 24/12/2015, Bộ Công Thương có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX và Gelex về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này, dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 25/12/2015 đến 22/1/2016. Ngay ngày hôm sau, Bộ này đã chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX trên UPCoM và bán thành công chỉ sau ít phút giao dịch.

Dư luận thời điểm này đã đặt ra những hoài nghi về việc với lô cổ phần đủ lớn để kiểm soát doanh nghiệp, việc Bộ Công Thương vội vàng công bố thông tin rồi lại vội vàng thoái vốn phải chăng để các nhà đầu tư khác nếu quan tâm cũng không thể đủ thời gian nghiên cứu, chuẩn bị tài chính để mua? Phải chăng mục đích chính của việc này là nhắm đến một số nhà đầu tư đã được lựa chọn từ trước, đã chuẩn bị sẵn hơn 2.000 tỷ đồng trong tài khoản chứng khoán? Nếu Gelex là một khoản đầu tư hấp dẫn thì trong trường hợp được chào bán, đấu giá công khai, minh bạch, số tiền Nhà nước thu được sẽ lớn hơn nhiều con số 2.100 tỷ đồng.

gex2.png
Lượng sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại GEX

Nguồn tài chính khổng lồ để thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước tên tuổi của ông Nguyễn Văn Tuấn, người có liên quan và của Gelex đến từ đâu trong bối cảnh các chỉ số tài chính đều phình to ra trong khi lợi nhuận kinh doanh chủ yếu đến từ các công ty con - công ty liên kết?

Phác họa quá trình hình thành và “thay máu” của Gelex Group cho thấy, một nhóm cá nhân và doanh nghiệp gần như không mấy tên tuổi như: Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), CTCP Chứng khoán IB (VIX),... đã dùng hơn 2.100 tỷ đồng thâu tóm Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện từ tay Bộ Công Thương. Sau khi đổi chủ, Gelex Group liên tục tăng vốn điều lệ với tốc độ chóng mặt, nhanh tay thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước tên tuổi khác, hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như thiết bị điện, cấp nước, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh,... và chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, Gelex đã trở thành tập đoàn đa ngành với tổng tài sản lên tới cả vài tỷ USD.

gex1.png
Ông Tuấn và cổ đông có liên quan đang ngồi ngế cổ đông lớn tại Chứng khoán VIX

Doanh nghiệp đại bự - dòng tiền mini, tích cực M&A để lấp đầy chỉ tiêu lợi nhuận

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) đạt 2.054 tỷ đồng - tăng 72%, doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.585 tỷ đồng - tăng 59% so với năm trước. Với kết quả này, Gelex đã vượt 60% so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng và hoàn thành kế hoạch doanh thu từ đầu năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.044 tỷ đồng - tăng trưởng 30% so với năm trước; lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.509 đồng.

Năm 2021 cũng đánh dấu thành công của Gelex trong việc nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Tổng CTCP Viglacera (HOSE: VGC) một trong những doanh nghiệp đầu ngành về vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh của Viglacera đã đóng góp tích cực vào báo cáo tài chính hợp nhất của Gelex.

Được biết, vào ngày 6/4/2021, Gelex của CEO Nguyễn Văn Tuấn đã mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này và những người có liên quan tại VGC lên 225,1 triệu cổ phiếu (50,21% vốn điều lệ) qua đó biến VGC thành công ty con.

Bên cạnh đó, Gelex Group còn sở hữu, chi phối hàng loạt các doanh nghiệp gốc Nhà nước khác như Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (TBD),... Với việc liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước, Gelex đã nhanh chóng trở thành tập đoàn đa ngành ở Việt Nam hiện nay.

Tổng tài sản đến cuối năm 2021 của GEX đạt 61.182 tỷ đồng - tăng 125% so với đầu năm; nợ phải trả đến cuối năm tăng vọt 115% từ 18.937 tỷ đồng lên 40.680 tỷ đồng - gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Đến hết quý IV/2021, doanh nghiệp có khoản nợ dài hạn gần 14.000 tỷ đồng (bao gồm gần 8.000 tỷ đồng nợ ngân hàng và 5.866 tỷ đồng dư nợ trái phiếu) và nợ ngắn hạn 8.149 tỷ đồng (trong đó gần 6.700 tỷ đồng nợ ngân hàng và 517 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán).

Trong số 29.868 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.604 tỷ đồng là hàng tồn kho - tăng gấp bốn lần so với thời điểm đầu năm. Công ty cũng có khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 5.000 tỷ đồng và đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 536 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, GEX ghi nhận 302 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán - tăng 314% so với năm 2020.

Có thể thấy, để có dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính của GEX là khá xấu khi doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vay nợ hay huy động vốn qua các nguồn khác nhau.

Còn nhớ chỉ trong tuần cuối tháng 12/2021, Gelex đã liên tục triển khai hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Bên mua trong cả hai đợt phát hành chỉ được tiết lộ là “một tổ chức tín dụng trong nước”. Được biết, đây đều là lượng trái phiếu có kỳ hạn ba năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định 8,5%/năm trong năm đầu sau đó điều chỉnh theo thị trường.

Trước đó, ngay sau khi thâu tóm Viglacera hồi tháng 5/2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Sâu hơn, trong năm 2020, Gelex đã huy động tổng cộng 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong đó 2.200 tỷ đồng được dùng cho sản xuất - kinh doanh thông thường, 400 tỷ đồng còn lại dùng để góp vốn vào công ty con.

gex3.png
Dễ thấy các chỉ số về tăng trưởng, vị thế doanh nghiệp cũng như cam kết với cổ đông của GEX đều ở mức khá sau những thương vụ M&A thời gian qua. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư quan tâm lúc này chính là tình hình tài chính "có vấn đề" của doanh nghiệp này.

Cẩn trọng những chiêu bài thổi giá!

Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn bứt tốc hồi cuối năm 2021 từ vùng giá 2x.000 đồng lên trên 40.000 đồng, GEX đã liên tục rung lắc tại vùng giá quanh mức này. Nếu tình từ đầu năm 2022, cổ phiếu GEX ở thời điểm hiện tại đã giảm gần 2% thị giá.

Trong phiên 6/4/2022, mã thậm chí lao dốc mạnh hơn 6,5% về mức 37.400 đồng cùng thanh khoản tăng bất ngờ lên hơn 47 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, đây cũng là phiên xác nhận tín hiệu tiêu cực (giảm giá trung hạn) của mã này khi các đường MA20 - 50 - 100 đều đã tuột khỏi đồ thị giá.

gex4.png

Giống như các họ cổ phiếu từng gây thương nhớ cho giới đầu tư và thị trường chứng khoán như FLC, Louis, DNP, nhóm cổ phiếu họ GEX hôm nay cũng đồng loạt bay màu trong đó GEX, GEE, VIX, PTC đều giảm mạnh trên 5%; cá biệt, cổ phiếu VGC bất ngờ đáp sàn trong ngày VN-Index có cú lội ngược dòng tăng điểm.

gex5.png

Từ diễn biến nêu trên, có thể thấy sự xuất hiện của các nhóm cổ phiếu có liên quan trên thị trường chứng khoán thường hình thành theo hai xu hướng. Trường hợp phổ biến nhất là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và nhân sự, thực hiện thâu tóm lần lượt các cổ phiếu có vốn hóa thấp trên sàn. Sau đó, nhờ kiểm soát nguồn cung cổ phiếu, chủ sở hữu mới dễ dàng đẩy giá cổ phiếu lên cao, tạo ra những cơn sóng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.

Xu hướng thứ hai là các tập đoàn lần lượt IPO và niêm yết các công ty thành viên, mỗi doanh nghiệp thường phụ trách một mảng kinh doanh thay vì chỉ niêm yết công ty mẹ như trước đây. Chính vì vậy hàng loạt nhóm cổ phiếu có cùng hệ sinh thái bắt đầu xuất hiện như Bamboo Capital, Tập đoàn Gelex, FLC, APEC, DNP, Louis,… Các nhóm cổ phiếu này luôn đầu tư chi phối hoặc lập mới một công ty chứng khoán và biến công ty chứng khoán này thành “sân sau” để hậu thuẫn giao dịch và huy động vốn trên sàn.

Minh chứng dễ thấy nhất là: họ FLC có Chứng khoán BOS (ART), họ APEC có Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS), họ Louis có APG và họ GEX có VIX.

Khi lượng tài khoản chứng khoán mới được thành lập đủ lớn để “tạo luồng” giao dịch theo những thông tin trên các diễn đàn cũng là lúc các nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền theo tin đồn. Các tin đồn này được nhắm vào các cổ phiếu có mệnh giá thấp để dễ dàng thổi lên theo cấp số nhân. Làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư mới khiến các phân tích, đánh giá cơ bản đứng ngoài biến động giá cổ phiếu, nhường chỗ cho các thông tin đồn đoán, nhất là về thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp.

Điểm chung của các cổ phiếu này là có thị giá thấp trước khi được “hô” mua và doanh nghiệp trải qua nhiều năm khó khăn, thua lỗ, tạo nền cho câu chuyện tái cơ cấu, thâu tóm, sáp nhập để thu hút nhà đầu tư.

tay-to.jpg

Điển hình trong vài tháng trở lại đây là câu chuyện của cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay, cổ phiếu VC9 của Xây dựng số 9, cổ phiếu SVC của Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, cổ phiếu JVC của Y tế Việt Nhật, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp Tasco (HUT),… khi tất cả đều có tình hình kinh doanh thua lỗ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Các tin đồn bắt đầu xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng và group chat đều chia sẻ những thông tin được xem là “mật” liên quan tới việc Nhựa Đồng Nai có động thái đi thâu tóm trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Các thông tin sau đó trở nên có trọng lượng, thậm chí được coi là chính xác khi nhiều thành viên lãnh đạo cấp cao nằm trong hệ sinh thái của Nhựa Đồng Nai mua vào các cổ phiếu HUT, NVT, VC9, JVC,… đồng thời được đề cử vào hội đồng quản trị và ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hay như gần đây, “họ Louis” cũng úp mở thông tin về việc tham gia vào HĐQT của CTCP Địa ốc Hoàng Quân khiến cho cổ phiếu HQC đón nhận được một làn sóng đầu cơ lớn và tăng trần liên tiếp. Các động thái về việc tiến cử người vào HĐQT và yêu cầu ĐHCĐ bất thường mới đây cũng tạo nên một cuộc chiến “vương quyền” tại doanh nghiệp này cuốn hút được dòng tiền từ nhà đầu tư mới.

Trong giai đoạn đầu, nhiều nhà đầu tư hoài nghi với nhóm cổ phiếu trên nhưng khi chứng kiến giá các cổ phiếu này liên tục đi lên, họ không thể đứng ngoài cuộc. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của nhà đầu tư giúp giá các cổ phiếu tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn bất kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đề xuất mở chiến dịch “làm sạch thị trường chứng khoán” mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần thanh tra công ty chứng khoán là công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. VAFI kiến nghị cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động và người thân thích để tạo cung cầu giả tạo, cần xác định những đối tượng đầu tư giả và các “công ty ma” để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán.

CADIVI đẩy mạnh thị trường miền Bắc, khẳng định vị thế dẫn đầu

Viglacera (VGC) có sẵn 100ha đất cho hãng xe điện lớn nhất thế giới thuê

GELEX đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng năm 2024

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ho-gelex-gex-di-muon-noi-124462.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Họ Gelex (GEX) đi muôn nơi...
POWERED BY ONECMS & INTECH