Tài chính Ngân hàng

Home Credit trước thềm về tay SCB Thái Lan: Thị trường tài chính tiêu dùng Việt sắp có 'kỳ lân' mới?

Trường Thanh 08/05/2025 15:32

FiinRatings lần đầu xếp hạng tín nhiệm mức A với triển vọng ổn định cho Home Credit Việt Nam – một bước ngoặt khẳng định vị thế hàng đầu của công ty trên bản đồ tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Trên bản đồ tín nhiệm tài chính, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam vừa vươn lên một đẳng cấp mới. Công ty Cổ phần FiinRatings vừa chính thức công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức A với triển vọng “Ổn định” dành cho doanh nghiệp này, dựa trên một tổ hợp các chỉ số tài chính vững vàng, mô hình kinh doanh bền bỉ, khả năng kiểm soát rủi ro đáng nể, và một thương vụ chuyển nhượng được kỳ vọng là chất xúc tác nâng tầm vị thế.

Trước thềm chuyển giao 100% vốn sang Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) Thái Lan, Home Credit Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của một bước nhảy vọt lớn, không chỉ củng cố vị thế top đầu ngành tài chính tiêu dùng, mà còn sẵn sàng bước vào cuộc chơi “kỳ lân”.

Home Credit trước thềm về tay SCB Thái Lan: Thị trường tài chính tiêu dùng Việt sắp có 'kỳ lân' mới?
Bảng xếp hạng tín nhiệm của Home Credit Việt Nam do FiinRatings công bố. Nguồn: Công ty Cổ phần FiinRatings, Báo cáo xếp hạng tín nhiệm Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam.

Tăng trưởng mạnh mẽ, sinh lời hàng đầu

FiinRatings ghi nhận Home Credit Việt Nam là doanh nghiệp phục hồi hiệu quả nhất trong ngành tài chính tiêu dùng năm 2024. Công ty đạt lợi nhuận ròng 1.290,9 tỷ đồng, tăng gần 244% so với năm 2023 (375,3 tỷ đồng). Tăng trưởng dư nợ cho vay cũng ấn tượng, đạt 13,8%, cao hơn đáng kể so với FE Credit (10,3%) và HDSaison (13,2%). Với kết quả này, Home Credit Việt Nam đứng thứ ba về dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng và thứ tư toàn ngành về tổng quy mô dư nợ, chiếm 9,6% thị phần vào cuối năm 2024.

Danh mục sản phẩm được phân bổ linh hoạt: cho vay tiền mặt chiếm hơn 53%, cho vay hàng tiêu dùng 24,7%, mua xe máy 9% và tín dụng quay vòng 13,1%. Thu nhập phí ròng từ bảo hiểm tăng từ 3,5% lên 14% tổng thu nhập hoạt động, nhờ vào mạng lưới phân phối rộng khắp với 13.000 đối tác và 21.000 điểm giới thiệu dịch vụ (POS), tiếp cận hơn 16 triệu khách hàng trong 15 năm qua. Sự đa dạng này giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào lãi vay, tăng tính bền vững cho dòng tiền và ổn định lợi nhuận dài hạn.

Về hiệu quả, Home Credit Việt Nam ghi nhận biên lãi ròng (NIM) 28,1% – cao nhất toàn ngành, vượt xa mức trung bình 17,8%. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 4,9%, còn tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 18,5%.

Mặc dù tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 51,5% do đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, FiinRatings dự báo tỷ lệ này sẽ giảm còn 48,6–49,7% trong giai đoạn 2025–2026. Đây là tín hiệu cho thấy hiệu quả vận hành sẽ tiếp tục cải thiện, củng cố sức cạnh tranh dài hạn của công ty.

Rủi ro kiểm soát tốt, nền tảng vốn vững

FiinRatings nâng hai bậc cho yếu tố “vị thế rủi ro” trong bảng xếp hạng tín nhiệm, nhấn mạnh rằng: “Vị thế rủi ro của Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam được đánh giá là ‘rất tốt’, phản ánh khẩu vị rủi ro thận trọng, danh mục khách hàng chất lượng và chính sách quản trị minh bạch”.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) trung bình giai đoạn 2020–2024 chỉ 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức 7,5% toàn ngành. Riêng năm 2024, tỷ lệ NPL giảm còn 1,8%. Tỷ lệ nợ có vấn đề (nhóm 2–5) giảm từ 11,3% năm 2022 xuống còn 6,5% năm 2024.

Tỷ lệ thu hồi nợ trung bình trong 5 năm qua đạt 17,7%, gần gấp đôi mức 9,9% của ngành. FiinRatings lý giải thành công này nhờ chính sách cho vay có chọn lọc, áp dụng công nghệ dữ liệu lớn để đánh giá tín dụng, cùng với hệ thống kiểm soát gian lận vận hành hiệu quả. Ngoài ra, tỷ lệ xóa nợ xấu trung bình 5 năm được duy trì ở mức khoảng 10,3%, tương đương mặt bằng chung thị trường.

Về vốn, Home Credit Việt Nam có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 27,5% cuối năm 2024 – cao nhất ngành, so với FE Credit (14,4%) và Mcredit (13,4%). Tỷ lệ đòn bẩy tài chính chỉ 2,8 lần, thấp hơn mức trung bình ngành là 3,9 lần. Trong cơ cấu vốn, 98,3% là vốn cấp 1. Theo FiinRatings, vị thế vốn của công ty không chỉ ổn định mà còn có khả năng tiếp tục cải thiện sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cho SCB.

Thanh khoản của công ty được xếp loại “phù hợp”, với tỷ lệ tài sản thanh khoản cao/nợ phải trả trung bình 16,9% và tài sản thanh khoản cao/nguồn vốn bán buôn đạt 19,2% – đều vượt mức trung bình ngành. Dù phụ thuộc tương đối nhiều vào nguồn vốn bán buôn (82%), Home Credit Việt Nam đã có xu hướng giảm dần tỷ lệ này từ năm 2022, đồng thời duy trì năng lực thanh khoản vững vàng nhờ kế hoạch dự phòng hợp lý và sự hỗ trợ từ công ty mẹ hiện hữu là Home Credit N.V.

SCB Thái Lan: Bệ phóng nâng hạng?

FiinRatings nhận định: “Chúng tôi dự đoán rằng việc chuyển giao vốn này sẽ tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh và các yếu tố nội tại của Công ty”. Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) là một trong ba ngân hàng lớn nhất Thái Lan theo tổng tài sản, đang mở rộng hoạt động khắp ASEAN. Nếu thương vụ chuyển nhượng 100% vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt, Home Credit Việt Nam có thể được tiếp cận hệ thống quản trị, nguồn lực tài chính và công nghệ từ SCB – những yếu tố có thể tạo bước ngoặt chiến lược cho công ty.

FiinRatings chưa đưa các yếu tố SCB vào trong xếp hạng chính thức vì thương vụ chưa hoàn tất, nhưng khẳng định rằng đây là yếu tố tiềm năng nâng chất lượng tín dụng trong các kỳ xếp hạng tới. Việc về tay một ngân hàng có sức mạnh tín dụng cao như SCB cũng có thể giúp cải thiện chi phí huy động vốn, gia tăng khả năng phát hành giấy tờ có giá và hỗ trợ quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Với triển vọng “Ổn định”, FiinRatings kỳ vọng Home Credit Việt Nam sẽ duy trì mức tín nhiệm A trong 24 tháng tới nếu tiếp tục đảm bảo ba điều kiện: duy trì lợi nhuận ổn định, kiểm soát rủi ro hiệu quả và hoàn tất chuyển nhượng vốn với SCB. Ngược lại, nếu để chất lượng tài sản suy giảm hoặc đánh mất vị thế trong top 4 ngành, công ty có thể bị xem xét hạ xếp hạng. Dù vậy, với nền tảng hiện tại, Home Credit Việt Nam đang có mọi yếu tố để vươn lên thành kỳ lân mới trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

>> Nhà đầu tư Crypto Việt qua lăng kính Kyros Ventures: 3 điểm nguy hiểm trong tâm lý đầu tư đang định hình thị trường

Từ thâu tóm Home Credit đến kế hoạch 1 tỷ USD: ‘Người Thái’ đang vươn tầm ảnh hưởng lên thị trường tài chính Việt Nam ra sao?

SCB X sẽ hoàn tất mua lại Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/home-credit-truoc-them-ve-tay-scb-thai-lan-thi-truong-tai-chinh-tieu-dung-viet-sap-co-ky-lan-moi-289044.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Home Credit trước thềm về tay SCB Thái Lan: Thị trường tài chính tiêu dùng Việt sắp có 'kỳ lân' mới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH