Từ thâu tóm Home Credit đến kế hoạch 1 tỷ USD: ‘Người Thái’ đang vươn tầm ảnh hưởng lên thị trường tài chính Việt Nam ra sao?
Người Thái đang mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam với loạt thương vụ lớn như thâu tóm Home Credit, SHBFinance và cam kết đầu tư tỷ USD vào thị trường.
Người Thái vươn tầm ảnh hưởng tại Việt Nam
Tháng 2/2024, Tập đoàn Home Credit chính thức công bố ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), một thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX).
Thương vụ này có giá trị ước tính khoảng 800 triệu Euro (tương đương hơn 20.000 tỷ đồng) và dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 sau khi được các cơ quan chức năng tại Việt Nam và Thái Lan phê duyệt.
Được thành lập năm 2009, Home Credit Việt Nam hiện là một trong những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu, chiếm khoảng 14% thị phần. Với các sản phẩm như cho vay trả góp, thẻ tín dụng và vay tiền mặt, công ty đã xây dựng được nền tảng vững chắc sau 15 năm hoạt động.
Home Credit chính thức về tay người Thái. (Ảnh: SCB X) |
>> SCB X sẽ hoàn tất mua lại Home Credit Việt Nam trong nửa đầu năm 2025
Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri), một "ông lớn" khác của Thái Lan, cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Năm 2021, Krungsri bắt đầu thương vụ mua lại 50% vốn của SHBFinance, công ty tài chính thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Đến tháng 5/2023, Krungsri hoàn tất giai đoạn đầu của thương vụ với giá trị 5,1 tỷ baht Thái (khoảng 156 triệu USD).
Dự kiến ban đầu, phần vốn còn lại sẽ được chuyển nhượng sau ba năm. Tuy nhiên, vào tháng 11/2024, Krungsri đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ, mua nốt phần vốn này trong giai đoạn 2024-2025, giúp SHB thu về nguồn vốn thặng dư lớn và cải thiện năng lực tài chính.
Ngân hàng Kasikornbank (KBank) cũng đang ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam. Sau khi được cấp phép mở chi nhánh tại TP.HCM vào năm 2021, KBank đã nhanh chóng đạt tổng tiền gửi lên tới 574,3 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng gấp 50 lần so với năm 2022.
Chủ tịch KBank, ông Pipit Aneaknithi, từng công bố kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam đến năm 2027, với 735 triệu USD dành cho hoạt động ngân hàng và phần còn lại cho các công ty công nghệ và quỹ đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam.
Bangkok Bank, ngân hàng lớn nhất Thái Lan, cũng đã có mặt tại Việt Nam từ lâu với hai chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Tổng vốn đầu tư của Bangkok Bank vào Việt Nam hiện đã vượt 450 triệu USD, khẳng định cam kết lâu dài tại thị trường này.
Với sự tham gia mạnh mẽ của SCB, Krungsri, KBank và Bangkok Bank, 4/5 ngân hàng lớn nhất Thái Lan hiện đã có mặt tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính Thái Lan vào thị trường Việt Nam lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đưa Thái Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào ngành tài chính Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2039, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Thái Lan
Quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 ước đạt 448,4 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, các nhà đầu tư Thái Lan nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng để mở rộng hoạt động kinh doanh trong dài hạn.
Thành công của các ngân hàng Thái Lan không chỉ phản ánh sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam mà còn cho thấy chiến lược bài bản của họ trong việc củng cố vị thế tại một trong những thị trường tài chính phát triển nhanh nhất khu vực.
Với quy mô GDP năm 2024 ước đạt khoảng 448,4 tỷ USD |
Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Theo đó, CEBR dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 676 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 33, đuổi kịp Thái Lan (676 tỷ USD) và vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Singapore (656 tỷ USD), Malaysia (594 tỷ USD).
Đáng chú ý, vào năm 2039, CEBR ước tính, quy mô kinh tế của Việt Nam có thể đạt 1.410 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 25, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.059 tỷ USD), Singapore (982 tỷ USD), Malaysia (1.055 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đề nghị xây dựng hệ thống tàu điện ngầm thứ 2 của Việt Nam
Kỷ lục ba năm liên tiếp đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài