Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 23/2, cả nước đã giải ngân 3.999 tỷ đồng với 3.160 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,024 triệu người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là người sử dụng lao động bị tác động bởi đại dịch dẫn đến có người lao động phải ngừng việc, người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, người sử dụng lao động hoạt động trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn, gồm vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động theo thời gian trả thực tế, tối đa 3 tháng với lãi suất cho vay 0% và không phải thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay, thời hạn vay vốn tối đa 12 tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trên cơ sở tổng hợp thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 23/2, cả nước đã giải ngân 3.999 tỷ đồng, đạt 53,2% kinh phí cho vay dự kiến theo Nghị quyết 68, với 3.160 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,024 triệu lượt người lao động.
Theo đó, một số tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề được tập trung nguồn vốn vay như Đồng Nai với hơn 918 tỷ đồng, TP.HCM với hơn 570 tỷ đồng, Bình Dương trên 422 tỷ đồng, Hà Nội trên 272 tỷ đồng, Bắc Ninh trên 245 tỷ đồng,…