Hơn 7.300m2 ‘đất vàng’ 132 Bến Vân Đồn về tay tư nhân thế nào?
Tại chung cư Milennium, ngoài nguồn gốc đất công, chủ đầu tư còn bán thương mại 76 căn hộ mà theo quy định phải dành để bán phục vụ nhu cầu tái định cư.
76 căn hộ tái định cư ‘biến mất’
Như PV thông tin, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các sở, ngành tạm dừng mọi giao dịch đối với khu đất hơn 7.300m2 tại địa chỉ số 132 Bến Vân Đồn, P.6, Q.4, TP.HCM. Trên khu đất này hiện là chung cư có tên thương mại là Milennium.
Chung cư Milennium đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho người mua nhà từ năm 2019. Tuy nhiên, vì những vướng mắc liên quan đến nguồn gốc khu đất mà đến nay các cư dân chung cư này vẫn chưa có sổ hồng.
Theo tìm hiểu của PV , khu đất tại số 132 Bến Vân Đồn ban đầu có diện tích 7.890,9m2 do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood 2) quản lý.
Năm 2008, Vinafood 2 xin và được UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng khu đất để thực hiện dự án khu chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại dịch vụ.
Vinafood 2 đã nộp ngân sách giá trị quyền sử dụng đất theo phê duyệt và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên. Sau đó, Vinafood 2 mang quyền sử dụng đất này góp vốn vào CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Hội (Công ty Vĩnh Hội).
Tháng 12/2013, Công ty Vĩnh Hội được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên. Nhưng diện tích lúc này chỉ còn 7.327,9 m2 do đã bị thu hồi một phần để mở rộng đường Bến Vân Đồn.
Sau khi được chấp thuận dự án, chung cư Milennium được điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Cụ thể, chung cư tăng tầng cao tối đa từ 30 lên 32 tầng, chỉ tiêu dân số tăng từ 1.600 người thành 2.000 người. Khi chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch dự án, UBND TP.HCM giao Sở Tài chính đề xuất nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định.
Sở Tài chính sau đó đề xuất không xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung bởi việc điều chỉnh tăng tầng, tăng dân số của dự án không làm thay đổi hệ số sử dụng đất và diện tích sàn kinh doanh của công trình.
Chấp thuận đề xuất trên, UBND TP.HCM giao UBND Q.4 xử lý việc quy mô dân số của dự án tăng và đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở kỹ thuật, hạ tầng xã hội của chủ đầu tư cho địa phương.
Qua nhiều thủ tục, đến năm 2016, Công ty Vĩnh Hội chính thức trở thành chủ đầu tư dự án chung cư Milennium, quy mô 653 căn hộ và shophouse. Dự án được xây dựng từ năm 2016 và đến năm 2018 hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng.
Về pháp lý hiện nay, CTCP Đầu tư Phú Mỹ Hưng (Công ty Phú Mỹ Hưng), doanh nghiệp có liên quan đến CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Corporation), mới là chủ đầu tư chung cư Milennium. Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập năm 2015 và sau đó sáp nhập vào Công ty Vĩnh Hội.
Được biết, tính đến tháng 6/2014, 44% cổ phần của Công ty Vĩnh Hội thuộc quyền sở hữu của CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim). Số cổ phần này sau đó đã được chuyển nhượng cho Công ty Phú Mỹ Hưng.
Tại chung cư Milennium, ngoài nguồn gốc đất công, chủ đầu tư còn bán thương mại 76 căn hộ mà theo quy định phải dành để bán phục vụ nhu cầu tái định cư.
Cụ thể, theo quyết định chấp thuận đầu tư dự án được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2016, chủ đầu tư chung cư Milennium phải dành bán 50 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn Q.4 và bán 26 căn hộ tái định cư cho các hộ dân bị giải toả khi mở rộng đường giao thông tại dự án.
Tuy nhiên, từ đề nghị của chủ đầu tư, trong năm 2018, UBND Q.4 đã ban hành 2 công văn chấp thuận chủ trương để chủ đầu tư chuyển 76 căn hộ tái định cư sang bán kinh doanh.
Sau khi kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình xây dựng dự án tại số 132 Bến Vân Đồn, Q.4 vào tháng 9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, UBND Q.4 chấp thuận cho Công ty Phú Mỹ Hưng được bán kinh doanh 76 căn hộ tái định cư là chưa phù hợp, cần báo cáo UBND TP.HCM chấp thuận để điều chỉnh chấp thuận đầu tư.
Chủ đầu tư nói gì?
Liên quan đến khu đất 132 Bến Vân Đồn, Q.4, vào tháng 11/2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã yêu cầu Phát Đạt Corporation cung cấp thông tin liên quan.
Cụ thể, C03 yêu cầu Phát Đạt Corporation cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các việc như: Thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty Vĩnh Hội hoặc nhận chuyển nhượng dự án tại số 132 Bến Vân Đồn; hồ sơ góp vốn đầu tư thực hiện dự án tại khu đất trên và nguồn tiền thực hiện; bảng kê hiệu quả đầu tư dự án; danh sách, vai trò từng cá nhân tại Phát Đạt Corporation liên quan đến việc nhận chuyển nhượng và triển khai dự án…
Sau yêu cầu dừng mọi giao dịch tại khu đất 132 Bến Vân Đồn, Q.4 của UBND TP.HCM, ngày 26/7, Công ty Phú Mỹ Hưng và Phát Đạt Corporation đã lên tiếng về sự việc.
Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, công ty nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Cổ phần và Đầu tư Nguyễn Kim cùng các cá nhân theo hợp đồng đã ký ngày 26/11/2015, nên không liên quan đến Vinafood 2. Đồng thời, Công ty Phú Mỹ Hưng không làm việc trực tiếp với doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Công ty Phú Mỹ Hưng khẳng định đã bán sản phẩm của dự án và bàn giao căn hộ cho khách hàng theo đúng quy định. Đồng thời, công ty đã tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng, kinh doanh… đối với dự án.
Cùng với Công ty Phú Mỹ Hưng, Phát Đạt Corporation cũng khẳng định quá trình triển khai dự án 132 Bến Vân Đồn, doanh nghiệp này không liên quan đến các cá nhân, lãnh đạo của Vinafood 2.
Phát Đạt (PDR) lên tiếng về dự án Bến Vân Đồn
Vụ đất hiếm: Nguyên Thứ trưởng bộ TNMT 'tiếp tay' Tập đoàn Thái Dương, gây thất thoát 600 tỷ đồng