Hòn đảo này là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, có quốc hội riêng và quyền tự chủ giới hạn với 80% diện tích là băng.
Nằm ở vòng bắc cực, băng đảo lớn nhất thế giới Greenland mỗi năm đều có 2 tháng hoàn toàn không có màn đêm.
Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm trong vùng khí hậu Bắc cực. Khi nhắc tới vùng đất này, nhiều người nghĩ tới những dòng sông và dải băng khổng lồ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, băng đảo Greenland sở hữu phong cảnh thiên nhiên ấn tượng và nền văn hóa Inuit lâu đời.
Hòn đảo này có diện tích 2,16 triệu km2 với hơn 80% diện tích bề mặt đảo được bao phủ bởi một dải băng dày 4km, xấp xỉ diện tích của Thụy Điển. Với dân số khoảng hơn 56.000 người, đây là một trong những nơi có dân cư thưa thớt nhất trên thế giới.
Trong khi đó, nếu so với hòn đảo lớn nhất Việt Nam - Phú Quốc, thì Greenland có diện tích gấp 3.763 lần. Thậm chí, hòn đảo này còn gấp 6,5 lần diện tích của đất nước Việt Nam.
Từng là 'vùng đất xanh'
Bị bao phủ trong tuyết, băng và những dòng sông băng, bề mặt của Greenland chủ yếu là màu trắng. Tuy nhiên, nơi đây lại có tên gọi là vùng đất xanh. Theo Visit Greenland, tên gọi này được đặt cách đây 1.000 năm trước, bởi một người đàn ông tên Erik Đỏ. Sau khi bị đày khỏi Iceland tới Greenland vì tội giết người, ông đặt tên nơi này là vùng đất xanh, với hy vọng thu hút người tới định cư.
Tuy nhiên, theo một số báo cáo khoa học, Greenland từng được phủ xanh cách đây 2,5 triệu năm trước. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lớp đất cổ, nằm sâu bên lớp băng dày 3 km trong suốt hàng triệu năm.
Mặc dù có diện tích rộng lớn, Greenland không có hệ thống đường bộ hay đường sắt liên kết giữa các khu định cư. Ở đây vẫn có những con đường trong thị trấn, tuy nhiên chúng kết thúc ở ngoại ô. Để di chuyển giữa các vùng, người dân chủ yếu sử dụng thuyền, xe trượt tuyết, xe chó kéo, trực thăng.
Vì thế, hòn đảo này nhập khẩu mọi thứ, trừ cá, hải sản, một số loài động vật như cá voi và hải cẩu. Tuy nhiên, mỗi vùng đánh bắt ở Greenland đều có hạn ngạch riêng, để đảm bảo không khai thác quá mức. Đặc biệt, cá voi và hải cẩu là mặt hàng không xuất khẩu, chỉ tiêu thụ tại địa phương.
Hai tháng liên tiếp không có ban đêm
Theo CNN, từ ngày 25/5 đến 25/7 hàng năm, mặt trời ở Greenland ngừng lặn. Trong thời gian này, độ nghiêng của trái đất cùng với mặt phẳng quỹ đạo đã tạo ra hiện tượng "mặt trời lúc nửa đêm" ở các vòng bắc cực.
21/6 là ngày dài nhất trong năm và cũng là một dịp lễ hội ở Greenland. Tới đây vào ngày hạ chí, du khách sẽ thấy người dân phơi mình dưới ánh nắng và thưởng thức tiệc nướng ngoài trời.
Điểm nổi bật nhất ở Greenland là những tảng băng khổng lồ, có độ dày lên tới 3.000m và rộng gần 1,8 triệu km2. Theo CNN, mỗi năm băng đảo mất đi khoảng 270 tỷ tấn băng. Chỉ riêng trong tháng 7/2019, nơi này đã mất đi khoảng 197 tỷ tấn băng, tương đương với lượng nước ở 80 triệu bể bơi Olympic.
*Theo Visit Greenland, CNN